Siêu âm trước sinh, thai phụ 32 tuổi khá lo lắng khi bác sĩ thông báo thai nhi bị dây rốn quấn cổ một vòng.
Qua theo dõi thai kỳ, thay vì sinh mổ, bác sĩ xác định thai phụ hoàn toàn có thể sinh thường.
|
Dây rốn dài hơn 1 mét, quấn cổ bé gái 4 vòng. Ảnh: BSCC |
Mới đây, ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã đỡ sinh thành công cho thai phụ 32 tuổi. Bé gái nặng 3,6 kg chào đời trong sự vui mừng của sản phụ và gia đình.
Theo TS BS Bùi Chí Thương, thời điểm bé chào đời, các bác sĩ ngạc nhiên khi thấy dây rốn bé gái dài tới hơn 1 mét, quấn quanh cổ 4 vòng.
“Tôi chưa bao giờ thấy dây rốn của bé sơ sinh nào dài như thế" - BS Thương thốt lên.
Vì sao có hiện tượng dây rốn quấn cổ?
Theo BS BV Từ Dũ, dây rốn là phần nối liền bánh nhau và thai nhi, bên trong dây rốn có 2 động mạch và 1 tĩnh mạch.
Nhiệm vụ dây rốn nhằm cung cấp máu và các chất dinh dưỡng cho thai nhi cũng như giúp thai nhi thải các chất qua quá trình chuyển hóa ra khỏi cơ thể thai nhi.
Chiều dài dây rốn bình thường từ 20 – 60cm. Một đầu dây rốn cắm vào bánh nhau và đầu còn lại cắm vào rốn bé (phần bụng trước).
|
Dây rốn quấn cổ xuất hiện trong quá trình xoay sở của thai nhi. |
Thai nhi trong tử cung có những hoạt động như gập duỗi chi, thân người, xoay người…do vậy có những trường hợp trong quá trình xoay trở của thai nhi làm dây rốn quấn cổ và thân thai.
Số vòng dây rốn quấn có thể từ 1 đến nhiều vòng (có khi đến 6 vòng). Nếu dây rốn quấn cổ lỏng thì không có sự chèn ép mạch máu và không nguy cơ trên thai.
Nếu dây rốn quấn cổ chặt sẽ chèn ép mạch máu và cản trở lưu thông máu gây suy thai.
Vì thai nhi nằm trong buồng tử cung nên không thể gỡ vòng dây rốn đó ra khỏi cổ bé, thay vào đó tự thai nhi xoay trở và có khi tự khỏi.
Vấn đề chính của mẹ là theo dõi sát cử động thai. Trên thực tế có khá nhiều trường hợp dây rốn quấn cổ từ 1 – 2 vòng mẹ vẫn sinh bé khỏe.
Theo Văn Đức/Vietnamnet