"Hội chứng rung lắc" ở trẻ em nhất là các bé sơ sinh, các bé dưới 6 tháng tuổi và dưới 2 tuổi mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng đôi khi chỉ vì đùa quá mức hay vô tình mà cha mẹ vẫn mắc phải và gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với chính đứa con bé bỏng của mình.
Gần đây nhất là vụ bé gái 7 tháng tuổi ở Đài Bắc - Đài Loan nhập viện trong tình trạng bị ngất xỉu và sùi bọt mép mặc dù trước đó bé hoàn toàn khỏe mạnh.
Các bác sĩ cho biết não của bé bị tổn thương. Nguyên nhân là do thấy con khóc cha của bé gái đã cho bé nằm võng và đung đưa võng lên cao.
Tai nạn lại một lần nữa cảnh tỉnh các bậc cha mẹ hay có thói quen đung đưa võng của con cao, rung lắc con mạnh.
|
Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc - Bệnh viện XanhPon, Hà Nội cảnh báo về việc rung lắc trẻ sơ sinh tại hoidapbacsi cho biết ở trẻ sơ sinh kích thước và trọng lượng đầu chiếm khoảng 1/4 toàn cơ thể. Trong đầu bé có những khoảng trống giữa não và xương sọ để não tiếp tục phát triển.
Trong khi đó não, xương sọ của bé khá mềm nếu bị rung lắc mạnh sẽ gây ra sự va đập có thể làm dập não, chảy mãu não...
Với các bé bị nhẹ biểu hiện thường thấy lúc đầu là: nôn trớ, quấy khóc, biếng ăn... Nguy hiểm hơn là khi thấy con có các biểu hiện này cha mẹ thường bế bé rung lắc mạnh hơn để dỗ bé nín vì thế càng khiến bé bị tổn thương nặng hơn.
Nếu bị rung lắc quá mạnh bé sẽ có biểu hiện như khó thở, ngưng thở hoặc có giật.
Di chứng để lại cho bé về sau là chậm phát triển trí tuệ, phản xạ kém, nhận thức kém, động kinh... năng nề hơn là khiến bé tử vong.
Ngoài việc không nên rung lắc con mạnh, cha mẹ cũng nên lưu ý hết sức nhẹ nhàng, không nên có các động tác đột ngột như: bế thốc bé dậy khi bé đang nằm, xốc nách nâng lên cao hạ xuống, nhấc bổng bé lên cao, đung đưa bé trong võng mạnh để đùa cho bé cười...
Khi bé khóc thay vì bế bé rung lắc, đung đưa bé trong võng hãy nhẹ nhàng bế bé lên, ôm ấp vuốt ve và thủ thỉ với bé để bé cảm nhận được hơi ấm, tình yêu, cũng như sự an toàn mà cha mẹ dành cho bé.
Theo Hoa Đêm/VTC News