Trong số các lý do nuôi dưỡng không đúng cách thì tình trạng thiếu sữa mẹ, mẹ cai sữa sớm mà không dùng sữa thay thế cho bé, bé không bú đủ sữa, cho trẻ ăn dặm quá sớm hay quá trễ, cho trẻ ăn thiếu chất béo, trẻ không chịu ăn xác thịt cá rau củ do cách chế biến không phù hợp, cho trẻ kiêng ăn khi trẻ bệnh, chỉ hầm xương nấu cháo hay cho trẻ ăn cháo xay kéo dài dù con đã mọc rất nhiều răng… là những nguyên nhân thường gặp ở trẻ nhỏ.
|
Ảnh minh họa. |
Để giúp phát hiện sớm tình trạng này, phụ huynh cần chú ý theo dõi cân nặng của con hàng tháng rồi chấm lên biểu đồ tăng trưởng chuẩn để so sánh.
Khi phát hiện con bị đứng cân hay chậm tăng cân liên tiếp 2-3 tháng, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đi khám BS ngay để tìm nguyên nhân và cần xem lại và điều chỉnh số lượng và chất lượng của bữa ăn sao cho hợp lý theo độ tuổi cũng như chọn loại sữa phù hợp cho con để giúp con mau phục hồi và bắt kịp đà tăng trưởng.
Việc phát hiện và điều trị sớm lúc này là rất quan trọng vì sẽ giúp trẻ phòng chống bị suy dinh dưỡng hay tình trạng còi cọc về sau.
Đối với trẻ dưới 12 tháng: nên cho trẻ ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi, tập cho ăn dặm từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, từ một loại thực phẩm đến nhiều loại thực phẩm và cần tập ăn luôn cả xác (thịt, cá, rau…). Trẻ 6-7 tháng, thức ăn chính vẫn là sữa, chỉ cho ăn 1-2 bữa bột/ngày kèm ít nước trái cây, ít trái cây chín tán nhuyễn. Trẻ 8-9 tháng: thức ăn chính cũng vẫn là sữa, tập ăn 2 chén bột hay cháo/ngày, mỗi chén tập ăn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là bột, béo, đạm, rau/củ và nêm nhạt với ít muối I-ốt hay nước mắm I-ốt. Trẻ 10-12 tháng: sữa 3-5 lần/ngày, kèm ăn 3 chén cháo đặc đủ chất (đủ 4 nhóm thực phẩm), ăn thêm sữa chua, trái cây, bánh Flan, phô mai...
Đối với trẻ từ 12 tháng trở lên: cần cho trẻ ăn đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm (bột, béo, đạm, rau) trong mỗi bữa ăn chính. Ngoài 3 bữa ăn chính, trẻ cần ăn thêm 3 bữa phụ với khoảng ít nhất 500-600ml sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, và nên dùng thêm các loại sữa giàu năng lượng và dưỡng chất để giúp trẻ mau tăng cân đạt chuẩn. Cần tạo sự hấp dẫn, ngon miệng và vui vẻ khi trẻ ăn, không làm trẻ hoảng sợ khi ăn.
Lưu ý, không nên cho con kiêng khem quá mức khi trẻ bệnh và cần tăng thêm bữa ăn phụ, trứng, sữa… ngay sau khi con vừa hết bệnh, cần kéo dài như vậy ít nhất 1-2 tuần để giúp con tăng cân bù lại số cân đã mất do bị bệnh.
Bên cạnh việc cho trẻ ăn đúng, cần khuyến khích trẻ vận động, chạy nhảy ngoài trời, cho trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 10 giờ đêm, tiêm chủng đúng lịch và nhớ theo dõi cân nặng và chiều cao của các con hàng tháng rồi so sánh với chuẩn của biểu đồ tăng trưởng để can thiệp kịp thời trước khi quá muộn!
Chúc các bậc phụ huynh luôn thành công trong việc chăm sóc con yêu của mình và chúc các bé luôn tăng trưởng thật tốt & khỏe mạnh!
Theo PV/Dân Việt