Tại Khoa Nhi của Bệnh viện Nhân dân tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), bác sĩ khám kết hợp kiểm tra sổ theo dõi sức khỏe, thói quen sinh hoạt phát hiện tình trạng bệnh nhi có liên quan đến thói quen của người ông nội.
Được biết, Tiểu Khải trước đây khá khỏe mạnh. Cách đây nửa năm, cậu bị cảm nhẹ, sức khỏe ngày càng yếu mà không rõ nguyên nhân. Mỗi khi bé xông hơi thì đỡ hơn song lúc sau vẫn ho và khó thở dù không bị cảm.
Bác sĩ địa phương chẩn đoán Tiểu Khải mắc hen suyễn, kê đơn điều trị bằng corticoid dạng hít 3 tháng. Thời gian dùng thuốc, bé vẫn ho ngắt quãng. Khi giảm liều corticoid, bệnh nhân lại khò khè, ho lâu ngày nên bố mẹ đưa đến bệnh viện tuyến trên khám.
|
Theo bác sĩ, tình trạng ho lâu ngày, thở khò khè của Tiểu Khải có liên quan đến thói quen hút thuốc lá của ông nội. Ảnh: Sohu. |
Sau khi tìm hiểu bệnh sử, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Nhân Dân Chiết Giang cho rằng chẩn đoán hen suyễn trước đây là hoàn toàn chính xác. Nguyên nhân gây hen suyễn ở trẻ nhỏ thường liên quan đến yếu tố di truyền và tiếp xúc với các chất dị ứng.
Để hiểu rõ nguyên nhân gây hen suyễn ở Tiểu Khải, bác sĩ cẩn thận hỏi môi trường sống của trẻ có thay đổi gì trước cơn ho và khó thở đầu tiên không, chẳng hạn như có sống trong ngôi nhà mới, nuôi thú cưng hay thay đổi người chăm sóc trẻ.
Sau khi suy nghĩ, bố mẹ Tiểu Khải tiết lộ cách đây nửa năm, ông bà nội cậu bé từ quê lên chăm sóc các cháu. Đáng lưu ý, ông nội có thói quen hút thuốc lá, mỗi ngày hút 1 bao. Khi mới tới, ông thường hút trong phòng kín của mình. Lo ngại ảnh hưởng sức khỏe trẻ nhỏ, ông thường chỉ hút khi ở nhà một mình. Nếu có người, ông ra ban công, xuống cầu thang hoặc ra công viên gần nhà để hút. Dù vậy, đứng gần ông nội vẫn có thể ngửi thấy mùi thuốc lá đặc trưng.
Bằng kinh nghiệm của mình, trưởng Khoa Nhi Zhou Qin cho rằng bệnh hen suyễn của Tiểu Khải có liên quan đến thói quen hút thuốc của ông nội. Thực tế, ngay cả khi ông nội hút thuốc lá bên ngoài hoặc khi trẻ không có nhà thì khói thuốc vẫn bám vào đồ nội thất, rèm, thảm, tóc, da và quần áo,... Khi ông bế Tiểu Khải, bé vẫn có thể hít “khói thuốc phụ”, ảnh hưởng đến đường hô hấp.
Nhiều nghiên cứu đều chỉ ra, “khói thuốc phụ” có liên quan mật thiết đến bệnh hen suyễn ở trẻ nhỏ. Phát hiện này cho thấy tác hại của thuốc lá. Nó không chỉ ảnh hưởng sức khỏe người hút, ngay cả khói thuốc bám lại trên quần áo cũng có thể gây hại cho những người xung quanh. Điều này cho thấy cách ly khu vực hút thuốc thôi là chưa đủ. Để có lợi cho sức khỏe bản thân và cộng đồng, người hút thuốc lá nên cai thuốc càng sớm càng tốt.
Tìm được nguyên nhân khiến trẻ ho lâu ngày, bác sĩ khuyên nên cải thiện môi trường sống để bệnh nhân nhanh hồi phục. Vài ngày trước, bố mẹ Tiểu Khải đưa con tới viện tái khám. May mắn thay, sức khỏe bệnh nhân hồi phục rất tốt, ho giảm đáng kể và hiện tượng khò khè không còn nữa. Chỉ có điều, ông nội là người hút thuốc lâu năm nên không thể bỏ thuốc trong thời gian ngắn. Để không ảnh hưởng sức khỏe cháu, ông nội chuyển về quê sinh sống.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Thuốc lá điện tử "mê hoặc" giới trẻ
Định Tâm (Theo SH)