Có hai tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước; có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua. Trong khi đó, thống kê trên cổng tiêm chủng quốc gia cho biết đến 14 giờ ngày 16/10, cả nước đã tiêm được 61.086.173 liều vắc-xin COVID-19. Từ nay đến hết tháng 10/2021, lượng vắc-xin tiếp tục được cung ứng, do đó để bảo đảm sử dụng nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ để từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, cần bảo đảm tiến độ tiêm chủng mỗi ngày đạt ít nhất hai triệu liều.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, ngày 16/10 trên địa bàn Thủ đô ghi nhận 12 ca dương tính với SARS-CoV-2, đều đã được cách ly. Trong đó, có hai ca liên quan ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức và 10 ca về từ các vùng có dịch. Như vậy, tính từ khi phát hiện đến ngày 16/10, liên quan ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức ghi nhận 111 ca mắc COVID-19, trong đó ghi nhận tại Hà Nội 90 ca và 21 ca ghi nhận tại các tỉnh Nam Ðịnh, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương.
|
Khu vực phong tỏa phố Ðình Ngang (TP Hà Nội) trong chiều 16/10. Ảnh: MỸ HÀ
|
Trong ngày 16/10, công tác phòng, chống dịch tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương triển khai. Ba Bộ: Y tế, Công an, Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương quán triệt một số nội dung về tiêm chủng COVID-19 và giải pháp xác thực, liên thông dữ liệu tiêm chủng với dữ liệu quốc gia về dân cư.
UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", áp dụng trên toàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh Cà Mau được xác định cấp độ dịch là ở cấp độ 2. Người dân được đi lại nội tỉnh nhưng mọi hoạt động phải tuân thủ 5K. Cà Mau tiếp tục tạm dừng các loại hình kinh doanh có sử dụng rượu, bia, vũ trường, karaoke, mát-xa, quán bar, phòng tập gym, yoga, phòng tập thể hình, thể dục dụng cụ, bi-da. Các loại hình kinh doanh dịch vụ còn lại được phép hoạt động nhưng giới hạn số người và bảo đảm khoảng cách, phải bảo đảm các biện pháp phòng dịch. Riêng các hoạt động đặc thù như giao thông công cộng, vận chuyển hàng hóa... thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh hoặc Trung ương. Người dân từ các địa phương khác vào tỉnh Cà Mau phải khai báo y tế. Ðối với người đến từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3), nguy cơ rất cao (cấp độ 4) khi vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hạn trong 72 giờ.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Ðồng Tháp cho biết, từ ngày 1/10 đến nay, toàn tỉnh có 582 ca mắc COVID-19 là những trường hợp tự phát trở về địa phương. Tại một số huyện, thành phố xuất hiện tình trạng người về từ vùng dịch trong thời gian cách ly tại nhà đã không thực hiện đúng quy định như đi dạo chơi, thăm người thân. Hiện Ðồng Tháp có hơn 27.000 người tự phát về từ vùng dịch đã hoàn thành cách ly tập trung trở về nhà ở các huyện, thành phố.
Ngày 16/10, Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh thông tin về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, tính đến ngày 15/10, Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh đã giải quyết cho 81.866 đơn vị và 1.760.306 lao động với số tiền xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, giảm đóng Quỹ BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 từ 1% xuống bằng 0%. Ðồng thời, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ kết dư Quỹ BHTN từ ngày 1/10/2021 đến 31/12/2021 cho 4.512 đơn vị và 111.127 lao động (trong đó: 96.225 lao động đang tham gia và 14.902 lao động bảo lưu quá trình tham gia BHTN). Tổng số tiền chi hỗ trợ là 235 tỷ đồng (trong đó, chi cho người lao động đang tham gia BHTN là 204,2 tỷ đồng, chi cho người lao động đang bảo lưu quá trình tham gia BHTN là 30,8 tỷ đồng).
Theo Báo Nhân Dân