Đợt Tết, chồng tôi bận trực nên không về thăm quê. Dịp lễ 30/4, anh được cơ quan ưu ái cho về sớm hơn. Chúng tôi bàn nhau không thông báo, âm thầm về để bố mẹ chồng bất ngờ. Con gái tôi hăm hở với kế hoạch “đánh úp” ông bà nội.
Lúc ngồi xe khách, bé cứ tủm tỉm cười, nhắc đi nhắc lại: “Chắc nội vui lắm. Nội sẽ ôm con, thơm má con thiệt nhiều”.
Con gái tôi cực kỳ thích về quê nội. Bởi, ông bà yêu con bé nhiều đến mức trẻ con cũng nhận ra.
Nếu chúng tôi báo về thăm thì ông bà sẽ mua đủ thứ cho cháu gái. Bà nội thường mua quần áo, thú bông, đồ chơi, còn ông nội ra vào xem cây bơ, thanh long đã có trái chín chưa. Tôi về thăm mua quà chẳng bao nhiêu, mở tủ lạnh nhà nội mà phát ngượng. Lúc nào tủ lạnh của ông bà cũng đầy ắp thịt cá, sữa chua, rau câu… còn gà vịt trong vườn thì nhiều, ăn mãi không hết.
Con gái tôi thích thú bảo: “Tủ lạnh và vườn của ông bà như niêu cơm Thạch Sanh, ăn bao nhiêu cũng không hết món ngon”.
Thấy cháu vui thích, bố mẹ chồng tôi cười mà rưng rưng nước mắt. Nhìn cảnh ấy, tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ hoặc lên kế hoạch đi du lịch vào dịp nghỉ lễ. Hễ rảnh lúc nào, cả nhà lại dắt díu nhau về thăm ông bà.
Lần này, tôi rủ chồng và con gái về âm thầm, cũng là để xem bố mẹ chồng ở quê sinh hoạt, ăn uống ra sao. Vì tôi có vài lần đọc được tâm sự của các bạn trẻ xa quê, về nhà bắt gặp bố mẹ ăn uống tiết kiệm.
Sau 7 tiếng ngồi xe, chúng tôi về đến thị trấn nhỏ. Lớp sương mờ như khói quyện trong ánh đèn đường hiu hắt, bình yên đến lạ.
Tôi dắt tay con gái men theo con đường nhỏ, còn chồng khệ nệ túi xách, bước đi nặng nề phía sau. Thị trấn nhỏ sáng tinh mơ không một bóng người, mọi nhà còn đóng cửa im ỉm.
Không gian tĩnh lặng bị đánh thức bởi tiếng nói lanh lảnh của con gái tôi. Đến cổng nhà nội, bé gọi to: “Ông nội ơi, mở cửa cho con”.
Ông bà đang chuẩn bị cơm sáng, bàng hoàng chạy ra cổng đón cháu. Con tôi ôm siết lấy cổ ông nội, cười giòn tan.
Vợ chồng tôi đứng chôn chân, nhìn mâm cơm đạm bạc của bố mẹ mà không nói nên lời. Một quả trứng dầm mắm, đĩa rau cải luộc cho bữa sáng của 2 người già. Sau bữa cơm đạm bạc, ông bà sẽ phải vào vườn làm lụng dưới cái nắng chang chang.
|
Ảnh minh họa. |
Tôi tần ngần quay sang nhìn chồng. Anh vội vã xách hành lý vào phòng, không trở ra. Tôi bước vào phòng thấy anh rơm rớm nước mắt. Tôi quay ra, xuống nhà bếp, cho túi trái cây vào tủ lạnh. Tôi choáng váng khi tủ lạnh trống không, chỉ có vài chai nước lọc và bó rau muống.
Tôi giận dỗi, hỏi bố mẹ chồng tại sao không mua thịt cá, làm gà vịt mà ăn. Mẹ chồng cười hiền, xua tay: “Bố mẹ già, ăn bao nhiêu đâu. Tiền vợ chồng con biếu, mẹ để đó, lúc nào cháu về thì mua món ngon, cả nhà cùng ăn mới vui”.
Không để tôi nói chen vào, bà tiếp lời: “Trứng gà của nhà, sáng mẹ mua thêm rau. Hai người già ăn thế thôi. Mà, đợt này các con về không nói trước, chậm chút nữa là bố mẹ đi làm rồi”.
Vừa dứt lời, bà lấy điện thoại trong túi, gọi cho ai đó: “Nay, vợ chồng tôi không đi làm được đâu. Cháu nội về thăm, tôi ở nhà chơi với cháu thôi”.
Bà không giấu được niềm vui sướng trong từng câu nói, ngữ điệu. Tôi nghe mà tim rộn ràng, quên hết muộn sầu.
Tôi vào phòng, động viên chồng: “Mình không thể bên cạnh chăm sóc bố mẹ, thì những ngày được ở gần phải thật chất lượng. Em chở mẹ và con đi chợ, mua thêm rau về trộn gỏi gà, anh pha ấm trà trò chuyện cùng bố”.
Người đời thường nói, nước mắt chảy xuôi, con cái không bao giờ đền đáp được hết công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ. Ai rồi cũng làm bố làm mẹ, ước muốn lớn nhất lúc tuổi già là được đón con cháu về nhà.
Nhà là nơi đầy ắp tình cảm yêu thương gia đình, là nơi bất cứ ai đi đâu cũng muốn quay về. Bởi nơi đó có bố, có mẹ, có những người ruột thịt, là người yêu thương ta vô điều kiện.
Theo Vietnamnet