Thức ăn nhanh là gì?
Thức ăn nhanh là thuật ngữ chỉ loại thức ăn có các thành phần được làm nóng trước hoặc nấu chín sẵn, được bán tại nhà hàng hoặc cửa hàng có thể phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi và tiết kiệm thời gian tối đa. Thức ăn nhanh được xem là một trong những xu hướng ẩm thực được giới trẻ ưa chuộng, thậm chí, đối với nhiều người đồ ăn nhanh còn trở thành món ăn thay thế cho những bữa cơm truyền thống.
Bên cạnh đó đồ ăn nhanh đang là một xu hướng của giới trẻ tại các thành phố lớn, nhiều bạn trẻ cho rằng đây là phong cách ăn sành điệu, biểu hiện của lối sống hiện đại. Thế nhưng đồ ăn nhanh không chỉ mất cân đối về dinh dưỡng mà còn có thể có một số chất độc hại sinh ra trong quá trình chế biến ảnh hưởng tới sức khỏe.
Tác hại của việc ăn nhiều thức ăn nhanh
Nguy cơ mắc bệnh tim
Các chất béo xấu (chất béo chuyển hóa và bão hòa) trong thức ăn nhanh làm tăng triglyceride và cholesterol LDL trong máu của bạn, dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch. Điều này có thể dẫn đến bệnh tim. Thức ăn nhanh cũng gây ra đột biến lượng đường trong máu cao và viêm động mạch khiến mảng bám dễ dàng bám vào bên trong thành động mạch. Khi các động mạch bị hẹp lại và tắc, các cơn đau tim có thể xảy ra.
Nguy cơ ung thư cao
Việc sử dụng thực phẩm nghèo chất xơ là nguyên nhân chính gây nên các chứng bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa. Các nghiên cứu của các nước châu Âu cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh có chứa nhiều đường và chất béo có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư đại trực tràng. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng những người đàn ông sử dụng các loại thực phẩm chiên nhiều hơn hai lần một tháng cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
Giảm khả năng ghi nhớ
Một nghiên cứu nổi bật cho thấy những người khỏe mạnh ăn đồ ăn vặt trong hơn năm ngày, đã thực hiện rất nhiều bài kiểm tra nhận thức liên quan đến tâm trạng, tốc độ và sự chú ý. Và kết quả là, liên tục ăn thức ăn vặt trong năm ngày có thể làm suy giảm trí nhớ của bạn. Bởi một chế độ ăn uống kém dinh dưỡng có thể gây ra một số phản ứng hóa học dẫn đến viêm trong não, có liên quan đến trí nhớ.
Các chất béo xấu trong đồ ăn vặt, chẳng hạn như chất béo chuyển hóa, có thể thay thế các chất béo tốt trong não, can thiệp vào cơ chế truyền tín hiệu. Tiêu thụ một lượng lớn chất béo và thức ăn nhanh có đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
Hay theo một nghiên cứu mới nhất vừa được công bố trên tạp chí American College of Nutrition, chế độ ăn uống phương Tây gồm nhiều đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh chứa nhiều đường, chất béo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Làm giảm hệ miễn dịch
Một chế độ dinh dưỡng thích hợp là cần thiết để xây dựng hệ miễn dịch. Nếu ăn quá nhiều thức ăn nhanh, cơ thể thiếu vitamin và khoáng chất cần thiết để thiết lập hệ thống ngăn ngừa bệnh tật khiến cơ thể dễ bị cúm, nhiễm trùng và các bệnh khác.
Đồ ăn nhanh thường chứa rất nhiều chất béo và tinh bột. Điều này dẫn đến việc nếu ăn quá nhiều thức ăn nhanh, bạn sẽ thừa cân, béo phì kéo theo hàng loạt nguy cơ bệnh lý liên quan đến thừa dinh dưỡng như mỡ trong máu, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và thậm chí cả ung thư…
Gây ra mệt mỏi và trầm cảm
Thức ăn nhanh chứa rất ít chất dinh dưỡng quan trọng như các protein và vitamin cần thiết cho việc duy trì sức khỏe và tăng cường hoạt động các cơ quan quan trọng trong cơ thể chúng ta. Các loại thức ăn này khiến bạn no và ngon miệng nhưng ngược lại chúng không cung cấp cho bạn năng lượng khiến cơ thể bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi và yếu ớt. Nếu bạn ăn thức ăn nhanh hằng ngày trong thời gian dài, bạn sẽ bị mắc chứng mệt mỏi mãn tính, thậm chí bạn sẽ rất khó khăn để thực hiện những công việc hằng ngày. Ngoài ra, ăn quá nhiều đồ ăn vặt, cơ thể của bạn có thể bị mất các chất dinh dưỡng cần thiết như acid amin tryptophan. Việc thiếu acid amin này có thể làm tăng cảm giác trầm cảm.
Thức ăn vặt chứa đầy carbohydrate tinh chế, làm thay đổi lượng đường trong máu của bạn. Nếu mức đường của bạn rất thấp, nó có thể gây lo lắng, mệt mỏi và lẫn lộn.
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định các chức năng sinh lý bên trong cơ thể, do đó việc sử dụng thức ăn nhanh chứa rất ít chất dinh dưỡng quan trọng nên sẽ làm tăng tới 58% mức độ bất ổn tâm lý của trẻ đang trong lứa tuổi thanh thiếu niên
Không tốt cho hệ tiêu hóa
Nhóm người hay sử dụng các loại thức ăn nhanh gặp các vấn đề về trào ngược dạ dày thực quản (GERD) và hội chứng kích thích ruột (IBS). Nguyên nhân của việc sử dụng loại thức ăn này gây ảnh hưởng đến dạ dày và hệ tiêu hóa chúng ta là vì các loại thức ăn này được chiên kỹ, xử lý qua nhiều dầu, lớp dầu dính trên đồ ăn nhanh sẽ bám vào lớp niêm mạc dạ dày và làm nồng độ acid trong ruột tăng lên.
Gia vị trong các loại thức ăn nhanh có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày làm cho hệ tiêu hóa yếu đi, GERD và lượng chất xơ quá ít trong loại thức ăn này cũng ảnh hưởng lớn đến hệ tiêu hóa, có thể gây táo bón hoặc khó tiêu cho hệ tiêu hóa và có thể gây nên bệnh trĩ.
Gây hại cho thận và gan
Thức ăn vặt như khoai tây chiên chứa nhiều muối được chế biến tinh chế, làm tăng tiết enzyme và nước bọt giúp tăng cảm giác thèm ăn của bạn. Natri và chất béo xấu từ muối làm tăng huyết áp, từ đó ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thận, khiến cơ thể phù nề và ứ nước, gây ra các tình trạng rối loạn chức năng thận.
Một bất lợi khác của đồ ăn vặt là nó có thể gây tổn thương gan. Thức ăn vặt chứa hàm lượng chất béo chuyển hóa cao có thể tích tụ như chất béo trong gan, có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và rối loạn chức năng gan.
Tăng khả năng cao mắc bệnh tiểu đường typ 2
Khi ăn đồ ăn vặt, lượng đường trong máu tăng đột biến do tính chất chế biến của đồ ăn vặt. Điều này tương tự cú sốc đối với sự trao đổi chất của cơ thể, ảnh hưởng xấu đến khả năng sử dụng insulin của cơ thể, có thể dẫn đến bệnh tiểu đường typ 2.
Theo Trúc Chi/Phununews