Bộ Y tế đề nghị tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19, đặc biệt là “Chiến dịch bảo vệ đối tượng (bệnh nhân) nguy cơ”.
Phân loại F0 hợp lý
“Hơn 50% bệnh nhân nặng là những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19, phần còn lại tiêm một mũi, có mắc bệnh nền”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), nói và cho hay, theo thông tin dịch ở TPHCM và phía Nam, những trường hợp đã tiêm đủ vắc xin, diễn biến nặng rất ít, cho thấy chiến lược tiêm vắc xin là đúng đắn.
|
Bệnh nhân nặng điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Ảnh: Thái Hà |
TS. Hải nhận định chiến lược quản lí F0 đúng đắn sẽ giảm tình trạng quá tải. “Nếu bắt hết F0 vào viện, dù chỉ biểu hiện triệu chứng nhẹ, chỉ sốt cũng vào viện sẽ làm bệnh viện quá tải. Nhân viên y tế phải trải rộng chăm sóc cả người nhẹ ít triệu chứng, không thể tập trung toàn lực cho F0 nặng. Vì thế, F0 nhẹ, có triệu chứng nhẹ nên được điều trị ở nhà, có quản lí, hỗ trợ từ xa, từ y tế cơ sở, trạm y tế lưu động, được theo dõi thường xuyên, chỉ khi diễn biến nặng mới nên vào viện. Hầu hết F0 những ngày đầu chưa có triệu chứng nặng”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải nói. Đồng thời cho rằng “đây là cơ hội chúng ta cải thiện hệ thống y tế cơ sở, y tế gia đình. Chỉ ai diễn biến nặng, khó thở, bệnh nền không ổn định thì vào viện. Khi kiểm soát được số lượng như vậy bệnh viện có thời gian chăm sóc cho họ”.
Hiện số ca mắc tại các tỉnh, thành phố gia tăng, do đó Bộ Y tế yêu cầu các địa phương rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lí, điều hành thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, cung ứng và bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; bảo đảm ô xy từ tuyến cơ sở đến bệnh viện các tầng 1, 2, 3.
Triển khai toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ”
Lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” bằng các biện pháp: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch..) để tiêm vắc xin ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ.
Rà soát lại công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường bề mặt; tăng cường thông khí của toàn bộ các buồng bệnh, khu điều trị người bệnh COVID-19. Xây dựng lại kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng 1 ngày. Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lí người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Khi cần thiết huy động người nhà, đội ngũ tình nguyện vào chăm sóc, theo dõi người bệnh tại các cơ sở điều trị...
Theo phân loại của Bộ Y tế, nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc COVID- 19 là nhóm người trên 50 tuổi, thai phụ, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ. Những người có bệnh nền như đái tháo đường; phổi tắc nghẽn mạn tính; ung thư, đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi; bệnh thận mạn tính; béo phì, thừa cân... thuộc nhóm nguy cơ gia tăng mức độ nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc “Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách li, điều trị” ngay từ trạm y tế, tổ COVID cộng đồng đến các cơ sở thu dung, điều trị. Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lí; theo dõi chặt chỉ số SpO2 để đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời.
Theo Hà Minh/Tiền phong