Theo bác sỹ Vinh, thời gian này bắt đầu xuất hiện những cơn mưa nặng hạt, đây cũng là mùa của các loài rắn sinh sôi, phát triển. Nhiều người dân bị rắn cắn ngay cả khi đang lao động, sinh hoạt như hái rau trong vườn, đi thăm đồng hay trong lúc làm cỏ vệ sinh xung quanh nhà...
Thực tế đáng lo ngại nhất là có một số trường hợp vào viện muộn do ghé thầy lang hoặc do sơ cứu tại chỗ không đúng cách, khiến tình trạng trở nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị hoặc phải điều trị kéo dài, tốn kém và nguy hiểm đến tính mạng.
Do đó, theo khuyến cáo của các bác sĩ nếu không may bị rắn cắn cần lập tức cố định chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp, vì nếu vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập sâu vào cơ thể. Bên cạnh đó, cần áp dụng biện pháp băng ép bất động khi bị rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa hoặc rắn biển cắn; sau đó giữ nguyên trạng thái bất động, băng ép của bệnh nhân, rồi đưa đến cơ sở y tế, các tuyến bệnh viện chuyên khoa có điều kiện hồi sức cấp cứu, điều trị chống độc đặc hiệu.
Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo. Tuyệt đối không được hút nọc độc của bằng cách chích, rạch, châm, chọc tại vùng bị rắn cắn và không được chườm đá. Cần tránh trường hợp chủ quan, nghĩ là rắn nước hoặc rắn không độc dẫn đến gặp nguy hiểm.