Bác sĩ dạy cách dùng điều hòa không bị đau họng

Google News

Giao mùa, bão, nóng lạnh thất thường rất khó chịu nên nhiều nhà vẫn dùng điều hòa liên tục, để qua đêm. Nếu không biết những cách sau thì ngủ dậy sẽ bị đau họng, khô họng, dẫn tới phải dùng kháng sinh.
 

Để điều hòa qua đêm hay bị tình trạng đau họng sau khi ngủ dậy
Bà Ngọc Anh (Hà Nội) chia sẻ, từ khi lắp điều hòa, bà ngủ trong phòng máy lạnh cả đêm nên bị đau họng. Có người bảo đặt xô nước nhỏ trong phòng điều hòa, bỏ thêm cái quạt máy thổi vào góc phòng sẽ thấy đỡ đau họng, khô họng. Bà làm theo và quả nhiên đỡ hẳn, cuối tháng còn giảm bớt được ít tiền điện. Chắc do để điều hòa để nhiệt độ cao, lại có thêm quạt và nước ẩm nên máy không phải làm việc hết công suất.
Bác sĩ khuyên bà Ngọc Anh ngày 2 lần súc họng bằng nước muối nên cả đợt giao mùa bà không bị đau họng, viêm họng nữa.
Bac si day cach dung dieu hoa khong bi dau hong
 Nhiều người dùng điều hòa qua đêm đã bị đau họng. Ảnh minh họa.
Chị Thùy Chi (Hải Dương) thì kêu mấy ngày mưa nên trời ẩm, phải bật điều hòa nấc hút ẩm nên khô da, con thì cứ nửa đêm về sáng là ho, chị thì liên tục ngủ dậy thấy họng rát và đau họng. Đi khám lần nào hai mẹ con cũng phải dùng kháng sinh. Bác sĩ dặn hai mẹ con về chịu khó uống nhiều nước và ngậm, súc nước muối hàng ngày trước khi đi ngủ. Từ đó cả hai mẹ con đều thấy không đau họng khi ngủ dậy, con cũng không bị ho nữa.
Theo các nhà khoa học, điều hòa làm mát rất tốt, nhưng mặt trái của nó là bị khô da và các bệnh lý đường hô hấp, rất dễ gặp là bị khô họng, đau họng nửa đêm về sáng, dẫn tới viêm họng và sinh bệnh.
Theo các bác sĩ, trong miệng có rất nhiều vi khuẩn gây bệnh, ở điều kiện bình thường chúng khó sinh sôi và phát triển nên không sao. Nhưng ở môi trường có độ ẩm khô và lạnh như dùng điều hòa thì sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở - dẫn tới viêm nhiễm đường hô hấp, nhất là bị đau họng.
Những người có bệnh đường hô hấp, xoang nhiều lúc nằm ngủ miệng hay hé ra, mũi phải hoạt động hết công suất nên càng dễ bị đau họng.
Nhiều gia đình sử dụng điều hòa không đúng cách nên người trong nhà hay bị đau họng, thêm việc cửa phòng điều hòa luôn đóng kín nên không khí tù đọng càng làm vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, lây lan sang người khác.
Bac si day cach dung dieu hoa khong bi dau hong-Hinh-2
Nên đặt chậu nước, hoặc dùng thêm máy tạo ẩm cho phòng điều hòa. Ảnh minh họa. 
Cách chống đau họng, nghẹt mũi khi dùng điều hòa
Theo PSG. TS. BS Phạm Thị Bích Đào (chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), khi dùng điều hòa cần biết cách kiểm soát nhiệt độ phòng. Nếu máy lạnh loại tốt thì không nên để nhiệt độ dưới 26 độ C, nhà có trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chỉ cần duy trì nhiệt độ 28 độ C.
Cách dùng điều hòa đúng là ngay khi bật điều hòa, 30 phút đầu có thể để chế độ làm lạnh nhanh.
Sau 30 phút phòng đã đủ mát thì nâng nhiệt độ lên 27 - 28 độ C - là ngưỡng được coi là phù hợp với hệ thống biểu mô của niêm mạc đường hô hấp (nhiệt độ của lớp bề mặt của hệ thống này là 30-31 độ).
Theo các bác sĩ, để không bị đau họng khi nằm điều hòa có thể dùng các cách sau:
- Súc họng nước muối trước khi đi ngủ, sáng dậy là cách rẻ tiền và hiệu quả để giảm các triệu chứng đau họng, khô họng, các triệu chứng cúm, cảm lạnh thông thường, viêm xoang… và một số triệu chứng khó chịu ở cổ họng. Các hiệu thuốc có bán nhiều loại nước súc họng, nhưng cách dùng nước muối nhạt súc họng trong dân gian rất hiệu quả để trị đau họng nhẹ, giảm khô, rát họng, đau họng...
- Đắp kín chăn khi ngủ, hoặc bật chế độ hẹn giờ để điều hòa tự ngắt sau khi ngủ 3-4 giờ (hẹn từ 23h đêm đến 3 - 4 giờ sáng hôm sau là được). Như thế vừa ngủ ngon, vừa giảm tần suất đau họng lúc sáng sớm, còn tiết kiệm tiền điện.
- Khi ngắt điều hòa hãy dùng quạt điện, bật ở chết độ nhỏ nhất - để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của gia đình mà vẫn an toàn cho đường hô hấp.
Ngoài ra cần tăng độ ẩm bằng cách đặt một chậu nước, 1 cái khăn ẩm, hoặc phòng rộng có thể tận dụng để phơi quần áo ban đêm… Tốt nhất là đầu tư thêm máy tạo ẩm vừa làm sạch không khí, vừa làm mát dịu mũi, họng, giúp loãng chất nhầy trong xoang để mọi người luôn dễ thở.
Hoặc dùng thiết bị xông khuếch tán tinh dầu hơi nước vừa giúp lan tỏa hương thơm tinh dầu dễ chịu, vừa tăng cường độ ẩm và ion âm trong không khí. Nên dùng loại máy lan tỏa tinh dầu, cung cấp độ ẩm nhưng không gầy ồn và tự tắt khi hết nước.
Nếu dùng các biện pháp trên mà triệu chứng khô họng, nghẹt mũi không giảm thì cần đến gặp bác sĩ ngay, kẻo để lâu sẽ tiến triển thành viêm họng, viêm đường hô hấp... sẽ phải dùng thuốc và điều trị lâu hơn.
Để không bị đau họng cần:
- Tránh đồ uống kích thích như coffe, soda… vì khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.
- Độ chênh lệch giữa phòng điều hòa và ngoài trời khoảng 8 – 10 độ C để tránh bị choáng khi ra vào.
- Hoặc xông – tắm nước ấm đều đặn giúp tăng cường sức khỏe mà còn giảm khô mũi hiệu quả.
- Hàng ngày mở hết các cửa phòng điều hòa để thông khí, dùng quạt để thổi bay không khí tù đọng ra ngoài.
- Tập thể dục, ăn uống điều độ. Uống nhiều nước (khoảng 1,5 - 2 lít nước/ngày), năng bổ sung vitamin C bằng trái cây, rau quả…để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Định kỳ bảo trì – vệ sinh máy điều hòa để vừa tiết kiệm điện, vừa sạch không khí và nâng cao tuổi thọ máy (bảo dưỡng vệ sinh 2 - 3 lần/nằm, tùy dòng máy). Hoặc vệ sinh bảo dưỡng đầu mùa và cuối mùa.
Theo Ngọc Hà/Gia đình xã hội