Ngày 7/12, Bộ Y tế tổ chức phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Medlatec tổ chức Hội thảo "Phòng và Điều trị Bệnh lý Đái tháo đường type 2", trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 24 năm 2017.
Tại hội thảo, TS-BS. Nguyễn Văn Tiến – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương - Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đa kkoa MEDLATEC cho biết một trong những nguyên nhân quan trọng khiến đái tháo đường gia tăng nhanh chóng là do môi trường, bao gồm lối sống. Trong đó, thói quen ăn uống nhiều chất bột đường, ít chất xơ khiến lượng đường tăng cao, đặc biệt là ăn nhiều cơm trắng và thói quan ít vận động là một trong nhiều nguy cơ gia tăng bệnh nhân mắc đái tháo đường.
|
TS-BS. Nguyễn Văn Tiến - Nguyên Giám đốc BV Nội tiết TƯ nói về bệnh lý đái tháo đường. |
Theo BS. Tiến, trước kia người Việt ăn nhiều cơm gạo trắng nhưng cũng vận động rất nhiều từ đi xe đạp, đi bộ, lao động chân tay... nhưng hiện nay, đời sống đã được cải thiện, các phương tiện hiện đại phát triển, "tự động hóa" được tăng cường khiến cho vận động của con người giảm xuống đáng kể. Vì vậy, ăn nhiều cơm trắng nhưng không vận động khiến cho nguy cơ mắc đái tháo đường tăng cao.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Dự kiến số lượng bệnh nhân mắc bệnh sẽ tăng lên thành 6,1 triệu vào năm 2040. Tuy nhiên, số người bệnh chưa được chẩn đoán lên tới gần 70%, bởi vậy, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh khi đã xuất hiện nhiều biến chứng.
Ông Vũ Mạnh Cường, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông, thi đua khen thưởng Bộ Y tế cho biết, hiện có trên 70% số người bị tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành đái tháo đường type 2 và có thể gây các biến chứng vi mạch như các bệnh võng mạc, thận, thần kinh và bệnh cơ tim. Nguy cơ tiến triển từ tiền đái tháo đường thành đái tháo đường type 2 là 5-10%/ năm, trong khi nguy cơ này ở người bình thường chỉ là 0,7%/ năm.
Ông Cường cho biết thêm, bệnh lý đái tháo đường được coi là đại dịch có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20- 40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.
Lý giải về nguyên nhân ăn nhiều cơm trắng dẫn đến nguy cơ mắc đái tháo đường, PGS.TS Nguyễn Nghiêm Luật - nguyên Trưởng khoa Hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, cơm trắng từ các loại gạo đã được xay xát kỹ là loại thức ăn có chỉ số đường huyết cao. Sau khi ăn, cơm trắng chuyển hóa rất nhanh trong cơ thể thành đường. So với gạo lứt, gạo trắng đã bị mất đi lớp vỏ lụa chứa rất nhiều vitamin nhóm B (B1, B3, B6), vitamin E, magiê, mangan, sắt và chất xơ. Trong đó, vitamin B1 và chất xơ có hàm lượng cao hơn rất nhiều trong gạo trắng thông thường.
Nhờ vậy, so với gạo trắng, gạo lứt rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường. Chất xơ trong gạo lứt có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Để ngăn chặn tình trạng trẻ hóa số bệnh nhân mắc đái tháo đường, theo ông Luật, bí quyết để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và các bệnh mạn tính nói chung rất đơn giản là mỗi ngày ăn đủ nửa kilogram rau quả, đi bộ đủ nửa tiếng, ngủ từ 6- 8 tiếng mỗi ngày và tìm cách giảm stress.
Theo Anh Cúc/Khoe365