|
Cá ngừ là loại cá có hàm lượng thủy ngân cao nhất. Ảnh: Shutterstock.
|
Cá đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe. Ví dụ, hầu hết loại cá béo đều chứa axit béo omega-3, một axit giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và hỗ trợ sức khỏe nhận thức.
Omega-3 trong cá cũng có thể làm giảm nguy cơ trầm cảm và cải thiện sức khỏe tâm thần. Mặc dù cá chứa nhiều lợi ích cho sức khỏe, nó cũng có thể khiến bạn tăng khả năng tiếp xúc với thủy ngân.
Trên thực tế, theo Viễn cảnh Sức khỏe Môi trường (Mỹ), tiêu thụ cá là nguyên nhân gây ra hơn 90% các trường hợp tiếp xúc với thủy ngân ở Mỹ. Trong đó, cá ngừ là một trong những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao nhất.
Chúng ta biết cá ngừ và các loại cá khác có chứa thủy ngân nhưng liệu chúng ta có thể bị ngộ độc thủy ngân do ăn quá nhiều cá không?
Hàm lượng thủy ngân của cá ngừ
Consumer Reports (CR) gần đây đã công bố báo cáo về mức độ thủy ngân, một chất độc thần kinh, trong 5 nhãn hiệu cá ngừ khác nhau: Wild Planet, Bumble Bee, StarKist, Chicken of the Sea và Safe Catch. Họ cũng xem xét các loại cá ngừ khác nhau như cá ngừ vây dài, cá ngừ nhạt và cá ngừ vằn.
CR phát hiện cả 5 nhãn hiệu cá ngừ đều chứa hàm lượng thủy ngân. Trung bình, các loại cá ngừ vây dài có lượng thủy ngân cao gấp 3 lần so với cá ngừ nhạt hoặc cá ngừ vằn. Tuy nhiên, tất cả loại cá ngừ và nhãn hiệu đều chứa một lượng thủy ngân nhất định.
|
Cá ngừ vây dài khiến nhiều người lo ngại nhất vì nó chứa lượng thủy ngân cao gấp 3 lần cá ngừ nhạt và cá ngừ vằn. Ảnh: Shutterstock.
|
Các nhà nghiên cứu từ CR lo ngại lượng thủy ngân mà họ tìm thấy trong một số hộp cá ngừ gây nguy hiểm tiềm tàng.
Mặc dù một số loại cá ngừ được biết là có ít thủy ngân hơn những loại khác (cá ngừ nhạt có ít thủy ngân hơn cá ngừ vây dài), một số hộp được phát hiện có lượng thủy ngân tăng đột biến.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu tìm thấy 6/30 hộp cá ngừ có loại độc tố này. Với sự khó lường này, các chuyên gia tại CR khuyên những người mang thai tránh hoàn toàn cá ngừ nếu có thể và những người trưởng thành khác nên tiêu thụ cá ngừ ở mức độ vừa phải.
Tiến sĩ James E. Rogers, Giám đốc Nghiên cứu và Thử nghiệm An toàn Thực phẩm tại CR, nói trong một báo cáo về nghiên cứu: "Mức thủy ngân từ hộp cá ngừ này sang hộp khác có thể tăng đột biến theo những cách không thể đoán trước. Việc này có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai nhi".
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn cần biết nhiều điều về những rủi ro khi người trưởng thành ăn cá ngừ chứa thủy ngân. Câu hỏi cụ thể được đặt ra là việc ăn quá nhiều cá ngừ có thực sự khiến bạn bị ngộ độc thủy ngân hay không.
Tại sao cá ngừ chứa thủy ngân?
Theo CR, bạn không thể tránh hoàn toàn thủy ngân khi ăn hải sản. Thủy ngân luôn hiện diện trong các đại dương vì nó là khoáng chất tự nhiên nhưng cũng vì sự ô nhiễm mà con người gây ra. Nói chung, cá lớn thường có mức thủy ngân cao hơn vì chúng ăn cá nhỏ và hấp thụ cả thủy ngân trong những con cá nhỏ.
|
Thủy ngân luôn tồn tại trong hải sản. Ảnh: Shutterstock.
|
Theo một bài báo từ Biological Trace Element Research, cá ngừ không chỉ nhiễm thủy ngân từ việc ăn các loài cá khác mà khoáng chất này còn tích tụ trong mô của cá ngừ vì chúng không thể dễ dàng loại bỏ thủy ngân. Sự kết hợp của các yếu tố này làm cho lượng thủy ngân trong cá ngừ ngày càng cao.
Thủy ngân gây hại đến cơ thể như thế nào?
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), thủy ngân được coi là chất độc thần kinh gây tác dụng phụ tiêu cực cho sức khỏe nếu tiêu thụ với số lượng lớn hơn. Thủy ngân có thể khiến bạn mất tế bào não và kỹ năng vận động, giảm trí nhớ, gây lo lắng, tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Cụ thể hơn, thủy ngân methyl là loại thủy ngân được tìm thấy trong hải sản và cá như cá ngừ. Mức thủy ngân methylcao có thể dẫn đến ngộ độc. EPA cho biết các triệu chứng ngộ độc thủy ngân methyl bao gồm suy giảm khả năng nói hoặc thính giác, mất thị lực ngoại vi, yếu cơ và cảm giác như kim châm trong người.
Nhưng khi nào bạn nên dừng lại hoặc làm sao bạn biết bao nhiêu thủy ngân có thể dẫn đến ngộ độc? Thật không may, không có thước đo rõ ràng nào để bạn biết mình nên ăn bao nhiêu cá ngừ trước khi có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra một số hướng dẫn cơ bản mà bạn có thể tuân theo để giảm nguy cơ ngộ độc.
Lời khuyên của FDA
FDA cho biết người lớn có thể ăn cá có hàm lượng thủy ngân thấp hơn với tần suất 1-2 lần/tuần. Những người đang mang thai hoặc đang cho con bú nên ăn cá có hàm lượng thủy ngân thấp 2-3 lần/tuần và chỉ nên ăn 113 gram cá/tuần.
|
Những ai đang mang thai hoặc cho con bú nên đặc biệt cận thẩn với lượng cá ngừ mình ăn. Ảnh: Shutterstock.
|
CR khuyên những người mang thai tránh hoàn toàn cá ngừ vì họ cho rằng các hộp cá ngừ có mức độ thủy ngân không ổn định.
Nếu bạn là người thường xuyên ăn nhiều cá ngừ, hãy chú ý đến một số dấu hiệu tiềm ẩn của ngộ độc thủy ngân trong cơ thể và nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cảm thấy lo lắng về mức độ cá ngừ bạn ăn.
Các loại hải sản có mức thủy ngân thấp hơn
Điều quan trọng cần nhớ là bất cứ khi nào bạn tiêu thụ hải sản, bạn đều có khả năng đưa thủy ngân vào cơ thể.
Tuy nhiên, một số loại cá và động vật giáp xác chứa ít thủy ngân hơn cá ngừ. Theo CR, cua, tôm, mực, cá rô phi, cá tuyết, cá hồi, hàu và tôm hùm đều chứa mức thủy ngân thấp hơn.
Nếu bạn đang tìm kiếm các sản phẩm đóng hộp chứa ít thủy ngân hơn cá ngừ đóng hộp, hãy thử những món như cá cơm hoặc cá mòi đóng hộp.
|
Cá mòi hay cá cơm đóng hộp là lựa chọn an toàn hơn cá ngừ vì chúng chứa ít thủy ngân hơn. Ảnh: Shutterstock.
|
Mặc dù bạn không thể dự đoán chính xác bao nhiêu cá ngừ có thể dẫn đến ngộ độc thủy ngân, bạn chỉ cần biết rằng mức độ thủy ngân cao hơn chắc chắn có tác động tiêu cực cho sức khỏe.
Hãy chú ý đến các triệu chứng ngộ độc thủy ngân và cố gắng tuân theo khẩu phần cá được khuyến nghị mỗi tuần để tránh tiếp xúc với quá nhiều thủy ngân.
Theo Phương Hà/Zing