Mới đây (ngày 10/5) bác sỹ Dương Vương Trung - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (BV Bưu Điện, Hà Nội) cho biết, BV vừa cấp cứu thành công bệnh nhân Nguyễn Thị H. (Hà Nội) bị sốc phản vệ do tiêm thuốc làm trắng da.
Theo đó ngày 9/5, chị H. có đến một cơ sở thẩm mỹ để tiêm truyền một số loại thuốc làm trắng da. Sau khi thực hiện xong các công đoạn tiêm thuốc làm trắng da, chị H. về nhà và rơi vào tình trạng khó thở, người rét run, nổi mẩn toàn thân. Ngay sau đó, chị H. được người nhà đưa đến BV Bưu Điện cấp cứu.
Tại đây, qua thăm khám các bác sỹ cho biết, chị H. bị sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Theo bác sỹ Dương Vương Trung, những trường hợp có nguyên nhân tương tự như chị H. không hiếm gặp, tại BV Bưu Điện đã từng tiếp nhận không ít bệnh nhân còn nặng hơn do nguyên nhân gặp phản ứng, biến chứng từ quá trình làm đẹp, thẩm mỹ.
Tiêm thuốc làm trắng da hay kích da trắng là phương pháp làm đẹp đang được các cơ sở thẩm mỹ, trang làm đẹp online giới thiệu với những lời quảng cáo hấp dẫn như truyền trắng vừa nhanh, hiệu quả, không những bật tông da mà còn nhiều tác dụng “thần thánh” như chống lão hóa, cân bằng nội tiết tố, cải thiện đời sống tình dục..., thậm chí chống ung thư.
|
Thuốc tiêm làm trắng da được rao bán tràn lan trên mạng với vô số chủng loại, giá cả (Ảnh chụp màn hình). |
Mặc dù được quảng cáo có thể làm trắng da cấp tốc, tuy nhiên đây là một trong những phương pháp làm đẹp vô cùng tốn kém với nhiều giá thành khác nhau. Nhiều trang làm đẹp online tung những quảng cáo livestream giới thiệu về tắm trắng, truyền trắng da với giá khá "chát" từ vài chục đến trăm triệu đồng cho một liệu trình. Theo đó, một liệu trình 10-12 mũi tiêm, mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tuần. Nhưng sau đó, mỗi tháng sẽ phải tiêm lại 1 lần để duy trì độ trắng cho làn da.
Tuy nhiên không phải ai cũng biết được mức độ an toàn và những rủi ro của phương pháp làm trắng da này.
Mời độc giả xem video Truyền trắng da và những hậu quả khôn lường (nguồn: Sức khoẻ và Đời sống/Youtube):
Trao đổi về những ẩn họa bởi tiêm thuốc kích trắng da, ThS.BS Vũ Thái Hà – Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cho biết, hiện chưa có loại thuốc nào được Bộ Y tế cho phép sử dụng để tiêm làm trắng da.
Hai chất thường có trong các thành phần của công thức truyền trắng trên thị trường hiện nay mà có cơ chế tác động vào hình thành sắc tố rõ ràng là glutathion và vitamin C.
Sử dụng glutathione, vitamin C... có thể làm da trắng hơn vì các hoạt chất này can thiệp vào quá trình tạo sắc tố da. Nhưng màu sắc da do yếu tố di truyền quyết định, nên những biện pháp như bôi thuốc, tắm trắng, hay thậm chí tiêm thuốc nếu có tác dụng chỉ mang tính tạm thời.
Chưa kể, tiêm thuốc tắm trắng sẽ có nguy cơ tai biến nguy hiểm đến tính mạng như sốc phản vệ, huyết khối, hay nguy cơ nhiễm trùng, lan truyền mầm bệnh (viêm gan siêu vi, HIV) qua tiêm chích. Ngoài ra, thuốc làm trắng can thiệp vào quá trình tạo sắc tố sẽ làm da mất khả năng tự bảo vệ trước tác động của tia cực tím, lâu dài có nguy cơ ung thư da.
|
Nhiều chị em sẵn sàng sử dụng phương pháp kích trắng da - Ảnh facebook. |
Ths TS.BS Nguyễn Trọng Hào, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM phân tích, sắc tố melanin quyết định màu da, màu mắt, mái tóc con người. Nếu chúng ta tìm mọi cách để làm trắng da bằng việc ức chế sắc tố melanin thì vô tình góp phần phá hủy làn da, làm mất khả năng tự bảo vệ của cơ thể.
“Bản chất của tắm trắng là lột lớp tế bào sừng của da khiến da bóng hơn, mịn màng hơn nên người ta tưởng là trắng lên. Nhưng hậu quả là bạn sẽ mất đi lớp sừng bảo vệ da, da non sức chịu đựng sẽ kém đi dưới ánh nắng mặt trời.
Ngay cả với viên uống trắng da, bản chất cũng là hạn chế sự phát triển của các sắc tố trên da phát triển. Trong khi đó đây là lớp giúp chống đỡ lại tia nắng mặt trời, tia UV để bảo vệ da. Tia cực tím là nguyên nhân chính gây cháy nắng, ung thư da. Một khi làn da mất khả năng chống đỡ khỏi tia cực tím, lại không có các biện pháp bảo vệ da như mặc quần áo kín, che chắn, dùng kem chống nắng thì dễ có nguy cơ mắc ung thư da" – BS Nguyễn Trọng Hào cảnh báo.
Tổ chức WHO và Bộ Y tế Việt Nam đã từng khuyến cáo, việc tiêm vitamin C vào đường tĩnh mạch vì nó có thể làm tan máu, giảm độ bền của hồng cầu, nếu bệnh nhân phản ứng thuốc, nhẹ thì phát ban, nổi mẩn, nặng thì sốc phản vệ, nhiễm độc, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Đặc biệt, dùng vitamin C liều cao kéo dài sẽ gây ra bệnh sỏi đường tiết niệu, dị ứng, phồng rộp da, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nóng rát dạ dày, gây hiện tượng thừa sắt, giảm độ bền của hồng cầu, giảm khả năng diệt khuẩn của bạch cầu... Vì thế, khi dùng bất cứ loại thuốc nào bạn cần được bác sỹ tư vấn và không nên tùy tiện mua bán hoặc sử dụng dù để chữa bệnh hay làm đẹp.
Tâm An