Trên thực tế, chúng ta dành khá nhiều thời gian trong suốt cuộc đời mình ở trong nhà vệ sinh, phòng tắm. Bởi không ai là không tắm rửa, vệ sinh cá nhân, đi vệ sinh… hàng ngày. Nhưng ít người biết rằng có những hành vi nhỏ nhặt lại có thể hủy hoại sức khỏe một cách âm thầm từ ngày này qua ngày khác. Phổ biến và gây hại nhiều nhất là 6 việc làm sau đây:
1. Dùng điện thoại khi đi vệ sinh
Sử dụng điện thoại khi đi vệ sinh có làm bộ não mất đi ý thức tập trung điều khiển quá trình đại tiện, do đó kéo dài thời gian đi vệ sinh. Việc ngồi quá lâu trên bồn cầu sẽ gây áp lực lớn cho các tĩnh mạch ở phần thấp nhất của trực tràng khiến chúng sưng lên hoặc phình ra gây nên bệnh trĩ.
Dùng điện thoại khi đi vệ sinh là thói xấu rất phổ biến ở người trẻ tuổi. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nếu mang điện thoại vào nhà vệ sinh, các vi khuẩn sẽ dễ dàng bám vào điện thoại và lan truyền ra ngoài. Các chuyên gia Anh còn chỉ ra rằng nhiệt độ điện thoại tạo một môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Các loại vi khuẩn này có thể gây ra một số bệnh nhiễm trùng đường ruột nguy hiểm.
2. Xả nước bồn cầu mà không đậy nắp
Các nhà vi sinh học tại Đại học Arizona (Mỹ) đã chỉ ra rằng mỗi một lần nhấn xả nước sẽ tạo ra một lực đủ để khiến tất mọi thứ trong bồn cầu bao gồm cả chất thải và vi khuẩn văng vào trong không khí với phạm vi khoảng 1,8m. Chính vì vậy, thói quen này có thể gây hại cho sức khỏe lớn hơn chúng ta tưởng.
Để bảo vệ bản thân và những người xung quanh, dù đại tiện hay tiểu tiện xong cũng nên đóng nắp bồn cầu trước khi xả nước. Ngoài ra, không để những vật dụng cá nhân gần bồn cầu để tránh bị nhiễm khuẩn khi xả nước bồn cầu.
3. Không giặt bông tắm thường xuyên
Đừng cho rằng khi bạn dùng bông tắm để tắm cùng xà bông, sữa tắm rồi xả sạch bọt nghĩa là bông tắm đã đủ sạch. Hơn nữa, môi trường ẩm ướt là nơi vi khuẩn phát triển mạnh. Lúc này, giữ bông tắm, nhất là khi nó còn ẩm ướt trong phòng tắm sau khi sử dụng có thể khiến nó trở thành ổ vi khuẩn, dễ nấm mốc. Khi sử dụng lại sẽ gây hại cho cơ thể.
Bông tắm, khăn tắm, khăn mặt… cần được giặt thường xuyên và thay mới định kỳ. (Ảnh minh họa)
Tốt nhất là nên giặt và phơi khô bông tắm dưới ánh nắng mặt trời trước khi sử dụng lần sau. Hãy làm sạch nó bằng xà phòng và nước ấm mỗi tuần một lần, hoặc bạn có thể dùng nước tẩy pha loãng (ngâm 5 phút rồi xả sạch). Cũng nhớ thay bông tắm định kỳ để đảm bảo vệ sinh, sức khỏe làn da nhé!
4. Không rửa tay trước khi đi vệ sinh, thay băng vệ sinh
Hầu hết mọi người chỉ rửa tay sau khi đi vệ sinh, như vậy tốt nhưng chưa đủ. Trên thực tế trước khi chúng ta đi vệ sinh nên rửa tay sạch sẽ, bởi vì khi lau, tay của bạn tiếp xúc với bộ phận sinh dục gần nhất.
Lúc này, vi khuẩn trên tay dễ nhân cơ hội này lọt vào trong cơ thể gây bệnh, đặc biệt là với cấu tạo cơ quan sinh dục nữ. Càng nghiêm trọng hơn vào những ngày nữ giới có kinh nguyệt, môi trường âm đạo ẩm ướt, cộng thêm sức phòng ngự của cơ quan sinh dục giảm thấp nên dễ nhiễm khuẩn và mắc bệnh. Tương tự, khi thay băng vệ sinh vi khuẩn ở tay sẽ lợi dụng cơ hội này lưu lại đến bề mặt băng vệ sinh, từ đó lọt vào cơ thể.
Tốt nhất là nên rửa tay cả trước, sau khi đi vệ sinh, thay băng vệ sinh, điều chỉnh đồ lót… để đảm bảo sức khỏe. Điều quan trọng nữa là rửa tay đúng cách với xà phòng.
5. Để bàn chải đánh răng trong nhà tắm, nhất là gần bồn cầu
Có những gia đình có phòng tắm và nhà vệ sinh riêng biệt, nhưng phổ biến hơn là nhà tắm có khoảng không gian đặt cả bồn cầu. Nhưng dù tích hợp hay riêng biệt thì việc để bàn chải đánh răng trong phòng tắm, nhà vệ sinh đều tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe.
Các chuyên gia cho rằng bàn chải đánh răng sau khi dùng xong thường ở trạng thái ẩm ướt và dễ nhiễm khuẩn. Chúng cần được làm khô, tốt nhất là dưới ánh nắng mặt trời nhưng ít ai quan tâm tới việc này. Thậm chí rất nhiều nhà tắm còn không có cửa sổ hoặc cửa thông gió để bàn chải được làm khô.
Đặc biệt là nhiều người còn có thói quen đặt bàn chải ở gần khu vực bồn cầu, có thể bị bắn vi khuẩn vào khi xả nước. Hoặc vừa đánh răng vừa ngồi xuống bồn cầu để thoải mái, hay vừa đi vệ sinh vừa làm việc này cho tiết kiệm thời gian. Tất cả những việc này sẽ tạo cơ hội cho vô số vi khuẩn tụ tập trên bàn chải.
Đặt bàn chải đánh răng trong nhà tắm, nhà vệ sinh tuy tiện nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn. (Ảnh minh họa)
Khi sử dụng bàn chải có vi khuẩn ảnh hưởng đến sức khỏe vòm miệng, gây hôi miệng, sâu răng, viêm lợi, thậm chí đi vào máu qua lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe của tim. Vì vậy, không nên để bàn chải ở nhà tắm, nhà vệ sinh. Nếu buộc phải để trong đó, hãy tránh xa bồn cầu, phải để bàn chải đánh răng ở nơi khô ráo, thông gió, có thể tiếp xúc được với ánh mặt trời. Ngoài ra cũng cần thay mới bàn chải thường xuyên khoảng 3 - 6 tháng/lần.
6. Treo khăn tắm đã dùng trong phòng tắm, không giặt thường xuyên
Đừng bao giờ treo khăn tắm của bạn trong phòng tắm sau khi sử dụng. Khăn ẩm ướt sẽ khiến các vi khuẩn truyền nhiễm lưu thông trong phòng tắm và là nơi sinh sản của vi khuẩn, nấm mốc, virus và nấm men, sau đó phát triển trên đó. Một chiếc khăn bẩn có thể gây ra nấm da chân, mụn cóc và thậm chí là nấm móng chân cùng nhiều nguy cơ sức khỏe khác. Đặc biệt, vi khuẩn sẽ càng dễ xâm nhập vào cơ thể nếu bạn có những vết cắt, vết trầy xước trên da.
Theo các chuyên gia sức khỏe, tốt nhất là giặt sạch và phơi khô khăn tắm của bạn sau mỗi lần sử dụng. Nếu không thể, ít nhất cũng hãy giặt chúng sau 2 lần sử dụng hoặc tối đa là 3 ngày. Sẽ tốt hơn nếu giặt bằng nước giặt chuyên dụng cùng nước ấm, phơi dưới ánh nắng mặt trời. Còn nếu không giặt ngay, ít nhất đừng để khăn tắm ẩm ướt ngay trong nhà tắm, đặc biệt là gần khu vực bồn cầu. Hãy để nó ở nơi thoáng mát, có nhiệt độ cao hoặc phơi nắng, gió để giảm nguy cơ vi khuẩn sinh sôi.
Theo Ngọc Ái/ Phụ Nữ Việt Nam