Xung quanh chúng ta có rất nhiều các loại “siêu thực phẩm” giúp nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể. Tuy nhiên, tiến sĩ, bác sĩ Heather khuyên dùng 5 loại thực phẩm này nhiều hơn vì chúng là những “thực phẩm kỳ diệu”.
Nấm
Từ xa xưa nấm đã được xem như một vị thuốc trong y học cổ truyền. Ngày nay, khoa học hiện đại cũng chỉ ra những lợi ích kỳ diệu của nấm.
Nấm có nhiều loại khác nhau và loại nấm bác sĩ Heather ưa thích nhất là nấm maitake. Loại nấm này có hương vị thơm ngon, giúp tăng cường các cytokine được sản xuất bởi tế bào trợ giúp Th1 - thứ kích thích phản ứng miễn dịch tế bào khi chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn.
Một loại nấm khác là nấm hương (nấm đông cô) cũng được chứng minh là có tác động tăng cường miễn dịch. Ăn nấm hương giúp cơ thể thêm sức mạnh để chiến thắng virus và các tế bào ung thư.
Ngoài ra còn có nấm linh chi cũng được chứng minh là có thể tăng cường phản ứng cytokine Th1 và giúp làm cho các loại thuốc hóa trị hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chiết xuất từ linh chi thúc đẩy phản ứng miễn dịch chống lại một số chủng vi rút herpes.
Gừng
Trong gừng có đặc tính chống oxy hóa và kháng viêm mạnh mẽ. Bên cạnh đó gừng cũng chứa gingerol được chứng minh là có tiềm năng giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch bằng cách làm giảm stress oxy hóa trong mạch máu cũng như chứng viêm ở vùng tim.
Theo các nghiên cứu cho thấy chiết xuất gừng giúp ngăn ngừa các bệnh gan liên quan tới việc sử dụng rượu và có thể tránh tổn thương thận ở những người dùng thuốc hóa trị.
Các bác sĩ khuyên dùng gừng trong những trường hợp buồn nôn, đầy bụng hay có vấn đề về tiêu hóa do mất cân bằng ở hệ vi sinh đường ruột.
Mầm bông cải xanh
Mầm bông cải xanh có chứa những chất sinh hóa hỗ trợ miễn dịch tốt nhất: sulforaphane.
Bản thân sulforaphane đã được chứng minh là làm tăng mức độ của một số hợp chất chống oxy hóa bằng cách tạo ra hợp chất trong tế bào của chúng ta được gọi là NRF-2. Đôi khi, hợp chất này được gọi là “bộ điều chỉnh chính” của chất chống oxy hóa, có nghĩa là nó giúp tăng sản xuất các chất chống oxy hóa khác.
NRF-2 có thể đóng vai trò trong việc giảm viêm - tình trạng thường gặp trong nhiều bệnh như ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh gan.
Mặc dù đa số các loại rau họ cải như súp lơ đều chứa glucoraphanin – tiền chất và sẽ chuyển thành sulforaphane trong quá trình tiêu hóa nhưng mầm bông cải non chứa gấp 10 tới 100 lần sulforaphane so với bông cải xanh trưởng thành.
Sẽ tốt hơn nếu bạn ăn mầm bông cải xanh sống bởi vì chất sulforaphane dễ bị phá hủy khi nấu. Lượng thích hợp mà bác sĩ Heather khuyên là 50g mỗi tuần.
Tỏi
Theo các nghiên cứu, tỏi kích thích hệ miễn dịch, làm tăng hoạt động của các tế bào NK - một loại tế bào miễn dịch có các hạt cùng enzyme có thể tiêu diệt các tế bào khối u hay tế bào bị nhiễm vi rút.
Bên cạnh đó tỏi còn có khả năng chống viêm và bảo vệ tim mạch bằng cách giảm cholesterol và huyết áp.
Ngoài ra, tỏi cũng giúp củng cố đường ruột nhờ một số lý do như: Giúp tăng mức độ các vi khuẩn có lợi như Lactobacillus - vốn sống trong đường tiêu hóa và là một lợi khuẩn tuyệt vời.
Từ xưa đến nay, tỏi được biết đến như là chất kháng vi rút, kháng khuẩn, kháng nấm. Tỏi có thể điều chỉnh sự mất cân bằng vi khuẩn trong ruột - tình trạng có thể gây nên chứng viêm.
Nghệ
Nghệ có thể bảo vệ cơ thể khỏi mức cortisol cao, ngăn chặn một số thay đổi miễn dịch tại gốc rễ của các bệnh tự miễn đồng thời hữu ích trong việc giảm viêm mãn tính khắp cơ thể.
Sử dụng nghệ sẽ khuyến khích sự phát triển của các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột và làm giảm các chủng vi khuẩn gây bệnh khác. Có hiệu quả giảm thiểu sưng khớp trong bệnh viêm khớp dạng thấp.
Theo Trần Thu Thủy/Khoevadep