Trong y học cổ truyền có thuyết 'tạng bổ tạng'. Tim lợn có tác dụng bồi bổ khí huyết, tốt cho người bệnh mất ngủ, tim đập hồi hộp thất thường do tâm khí hư sinh ra...
Theo Đông y, tim lợn có vị ngọt mặn, tính bình, vào kinh tâm, có tác dụng bổ dưỡng cho những người có chứng bệnh mất ngủ, tim đập hồi hộp thất thường do tâm khí hư sinh ra. Do đó nếu phối hợp với các vị thuốc Đông dược càng tốt.
Tim lợn bổ tim, chữa mất ngủ.
1. Món ăn bài thuốc dưỡng tâm, an thần, bổ tim
Tim lợn thường nấu kết hợp với nhân hạt táo ta 9-15 gam.
Cách thực hiện: Tim lợn 1 quả bổ ra cho nhân hạt táo ta vào, buộc bằng sợi bông đem hấp hoặc nấu chín để ăn. Khi đó tim lợn đã hấp thu đầy đủ nước thuốc. Có thể thay nhân hạt táo ta bằng bách tử nhân 9-15g.
Hoặc có thể dùng: Đương quy 30 gam, tim lợn 1 quả, làm như trên, chỉ có cho đương quy vào trong tim lợn rồi buộc lại, đem hấp hoặc luộc. Khi chín, bỏ bã thuốc, còn ăn cả nước lẫn cái.
Đương quy ích tâm, bổ khí huyết. Qua nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh đương quy có tác dụng trấn tĩnh, an thần, định chí phối hợp với tim lợn để bổ tim hiệu quả điều trị càng tốt.
Luộc và hấp là cách thường được dùng nhất. Sau khi rửa sạch, cho tim lợn vào nồi luộc, cho chút rượu vào, khi sôi nổi bọt, vớt bỏ bọt đi, đun nhỏ lửa cho chín, để nguội thái miếng, ăn cả nước lẫn cái như một món ăn bổ dưỡng hàng ngày; hoặc hấp chín chia ăn trong ngày.
Đương quy, vị thuốc phối hợp với tim lợn để dưỡng tâm, an thần, bổ tim.
2. Món ăn, bài thuốc cho người suy tim, mồ hôi nhiều, rối loạn giấc ngủ
Tim lợn 1 quả, rửa sạch rồi bổ ra; thêm nhân sâm, đương quy - mỗi vị 10g; cho vào trong tim lợn, hấp chín ăn.
3. Món ăn, bài thuốc cho người thấp tim
Tim lợn 1 quả, hồng táo (táo tầu) 10 quả; cùng nấu chín, ăn cả cái lẫn nước; mỗi ngày ăn 1 lần, mỗi liệu trình 7-10 ngày.
Theo BS Vũ Quốc Trung/Sức khỏe đời sống