Đại dịch COVID-19 truyền cảm hứng nấu ăn tại nhà nhiều hơn cho mọi người, theo một nghiên cứu được thực hiện vào tháng 5/2021. Theo đó, gần 65% người cho biết họ nấu ăn tại nhà nhiều hơn trong mùa dịch.
Nhìn chung, đây là một xu hướng tích cực. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo về vấn đề an toàn thực phẩm. Các mối nguy như nhiễm khuẩn chéo hoặc thực phẩm chưa chín được coi là những điều quan trọng cần lưu ý khi nấu nướng.
Nấu ăn sai cách có thể gây hại cho sức khỏe, tăng nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Tránh được những phương pháp nấu ăn sai lầm có thể giúp bạn và gia đình thêm khỏe mạnh. Dưới đây là một số kiểu nấu nướng làm tăng nguy cơ ung thư mà bạn nên tránh xa.
1, Thường xuyên nướng, chiên ngập dầu và áp chảo
Theo Viện Ung thư Quốc gia Anh, "các amin dị vòng (HCAs) và hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) là các chất hóa học được hình thành khi chế biến thịt bằng nhiệt độ cao (bao gồm thịt bò, thịt lợn, cá hoặc thịt gia cầm), chẳng hạn như rán hoặc nướng trực tiếp trên ngọn lửa trần".
Các hợp chất hóa học này có khả năng thay đổi DNA, dẫn đến tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư bao gồm ung thư dạ dày, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi. Nhiệt độ nấu càng cao và thời gian nấu càng lâu thì rủi ro càng cao.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng cho biết, thực phẩm giàu tinh bột, carbohydrate khi được nấu ở nhiệt độ cao, ví dụ như khoai tây chiên hay bánh mì nướng cháy, dễ tạo ra acrylamide - một chất hóa học gây ung thư khác.
2, Chế biến đồ ăn cháy khét và bốc khói
Mặc dù mùi cháy làm tăng thêm hương vị của món ăn, nhưng chúng cũng là dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của các chất độc hại.
Khói là kết quả của phản ứng giữa đường và axit amin, thường xuất hiện khi thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa trần. Chất béo từ thực phẩm chảy ra bề mặt dụng cụ nấu ăn hoặc trực tiếp vào lửa, khiến ngọn lửa bốc cao và tạo ra khói. Bản thân khói có chứa nhiều hóa chất và nó có thể bám vào thực phẩm khi được nấu chín.
Một nghiên cứu năm 2017 từ Tạp chí Nghiên cứu Ung thư và Ung thư Lâm sàng cho thấy, việc tiếp xúc với khói có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi, và các món ăn phải chiên ngập dầu hay áp chảo có thể gây ra những tác dụng không mong muốn đối với sức khỏe.
3, Lạm dụng thịt chế biến sẵn
Trong một thông cáo báo chí từ Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (IARC), thịt chế biến sẵn được phân loại là chất gây ung thư nhóm 1 - cùng loại với hút thuốc và uống rượu, và việc tiêu thụ loại thịt này có liên quan đặc biệt đến ung thư đại trực tràng.
Cơ quan này định nghĩa thịt chế biến sẵn là "thịt đã được biến đổi qua quá trình tẩm ướp, xử lý, lên men, hun khói hoặc các quy trình khác để tăng hương vị hoặc cải thiện khả năng bảo quản".
Mặc dù cùng phân loại nhóm 1, nhưng rủi ro khi ăn thịt chế biến sẵn và hút thuốc lá không nhất thiết giống nhau. Điều này là do IARC tập trung vào việc nghiên cứu những thực phẩm cụ thể có khả năng gây ung thư chứ không phải so sánh mức độ rủi ro giữa các thực phẩm hay thói quen sinh hoạt.
Theo Viện Ung thư Quốc gia, hạn chế nấu nướng trong thời gian dài, giảm sự tiếp xúc của thực phẩm với ngọn lửa trần và nhiệt độ cao, cắt bỏ phần cháy... là những cách giúp giảm sự hình thành của các chất có hại như HCAs và PAHs.
Bác sĩ Stephen Freedland, Giám đốc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai, chia sẻ trên tạp chí Time rằng, sử dụng giấy bạc khi nướng, ướp thịt với các loại thảo mộc và gia vị cũng có thể giúp giảm nguy cơ gây ung thư.
Ăn đồ luộc, hấp, chế biến thực phẩm ở nhiệt độ thấp... đều là những phương pháp nấu ăn an toàn. Và sẽ tốt nhất nếu bạn bỏ qua các loại bơ và dầu ăn khi chế biến thực phẩm.
Theo Bảo Anh/VTC