1. Được rồi, con biết rồi
Cha mẹ “dài dòng” suy cho cùng cũng vì lo nghĩ cho ta. Đừng vô tâm “con biết rồi” để phũ phàng chấm dứt câu chuyện. Cha mẹ hỏi nhiều về cuộc sống, tương lai, sự nghiệp không phải vì tọc mạch như thiên hạ, mà lo lắng quá đỗi cho ta. Chuyện gì cũng vậy, hôm nay ta lo một, nhưng cha mẹ lo mười. Cha mẹ mang nặng 9 tháng 10 ngày mới sinh ra ta, cả đời nhịn nhục chịu khổ mới nuôi ta khôn lớn.
|
Ảnh minh họa. |
Làm con đừng nghĩ lời cha mẹ nói là thừa thãi. Bởi duyên phận giữa cha mẹ và con cái vốn mỏng manh. Hôm nay cha mẹ “dài dòng”, nhưng biết đâu được, mai này họ không còn trên cõi đời để khuyên nhủ và dạy bảo ta nữa. Thay vì nói “con biết rồi”, hãy lắng nghe và trả lời “con cảm ơn bố mẹ”.
2. Có nói bố/ mẹ cũng không hiểu, đừng hỏi nữa
Khi cha mẹ hỏi han, dù là chuyện ta đang phiền lòng thế nào, cũng đừng nói: “Có nói bố/ mẹ cũng không hiểu, đừng hỏi nữa”. Cha mẹ có quan tâm, lo lắng mới thăm hỏi. Trên đời này, tri kỷ cùng bạn đồng sinh ra tử, hay người bạn thề nguyền thương yêu, cũng không quan trọng bằng cha mẹ.
Tình yêu của cha mẹ vốn dĩ không bờ, không bến. Dù cha mẹ không thể giúp gì ta, thậm chí ta không muốn để họ lo lắng, cũng đừng buông câu nặng nhẹ. Phận làm con đừng để cha mẹ cảm thấy mình là người vô dụng.
3. Quan điểm của bố mẹ bây giờ đã lỗi thời lâu rồi
Cha mẹ cách chúng ta một thế hệ. Vậy nên những lời góp ý của họ, có thể không hợp với thời đại, cuộc sống của ta, thậm chí không thể mang ra áp dụng, cũng đừng bao giờ nói: “Quan điểm của bố mẹ bây giờ đã lỗi thời lâu rồi.”
Cả đời cha mẹ cần kiệm, chịu đưng gian truân vất vả, cũng chỉ mong mỏi con cái thành người. Khi thấy cha mẹ vì cần kiệm mà xem nhẹ sức khỏe, hãy nên góp ý chân tình. Khi được cha mẹ khuyên bảo, dù nặng lời, hãy nói câu cảm ơn. Bởi cha mẹ làm gì cũng đều muốn tốt cho ta. Thay vì “nhảy dựng”, phủ nhận ân huệ vô giá này, hãy biết trân trọng và hưởng thụ yêu thương.
Theo Xuân Quỳnh/Khỏe & Đẹp