Theo BS Lê Tiến Huy (Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Y dược), thống kê cho thấy có khoảng 35% trẻ bị táo bón, gây ra tình trạng khó chịu cho bé. Bé thường xuyên bị đau bụng, quấy khóc triền miên, la hét, quấy khóc, rặn đỏ mặt… mỗi lần đại tiện. Chưa hết, tình trạng kéo dài khiến trẻ biếng ăn, chậm tăng cân vì táo bón đeo bám.
Chuyên gia nhận định, trẻ bị táo bón càng được xử trí sớm thì càng tốt. Nếu không được xử lý đúng cách, kịp thời có thể dẫn đến những hệ lụy như trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.
Cũng theo BS đa khoa Nguyễn Xuân Quang (Học viện Quân y), trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần, kèm theo tình trạng phân khô rắn, được gọi là táo bón. Táo bón là một trong 10 chứng bệnh thường gặp nhất ở trẻ, chiếm đến 25% số các bệnh cần phải chuyển đến các bác sĩ tiêu hóa, nhi khoa trên toàn thế giới.
"Khi táo bón kéo dài từ 2 tuần trở lên sẽ tích tụ độc tố trong cơ thể, ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ và thể chất ở trẻ, tăng khả năng mắc các bệnh đường tiêu hóa như tắc ruột, viêm đại tràng, trĩ. Ngoài ra, táo bón còn khiến trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, lâu ngày dẫn đến biếng ăn, suy dinh dưỡng", BS Quang cho hay.
Các chuyên gia cùng cho rằng, để chữa khỏi táo bón, đầu tiên, mẹ phải điều chỉnh chế độ ăn uống. Trong đó cần chú trọng những thực phẩm có tác dụng nhuận tràng, uống nhiều nước, ăn sữa chua...
Trong vô số những thực phẩm nhuận tràng, hỗ trợ điều trị táo bón, mẹ nên cho con ăn thường xuyên 2 loại quả dưới đây:
1. Mận khô
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Đánh giá phê bình về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng, mận khô có thể ngăn ngừa táo bón, phòng tránh ung thư ruột kết.
Một nghiên cứu trên tạp chí Alimentary Pharmacology and Therapeutics nói rằng, mận khô thậm chí còn có tác dụng tốt hơn các loại thuốc có chứa psyllium – thường được chỉ định để điều trị táo bón.
Theo Healthline, trong mận khô có chứa hàm lượng sorbitol cao, chất xơ hòa tan nên rất tốt để điều trị táo bón, cải thiện sức khỏe đường ruột. Điều này đúng với cả trẻ em và người lớn. Viện Mayo khuyên nên cho trẻ sơ sinh uống 60-118ml, người lớn uống 120-235ml nước ép mận khô mỗi sáng để kích thích nhu động ruột, giúp nhuận tràng, trị táo bón.
2. Táo
Theo Medical News Today, táo chứa hàm lượng nước cao nên có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón. Loại quả này còn rất giàu chất xơ, trong đó có 64% chất xơ không hòa tan và 32% chất xơ hòa tan. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Hòa Kỳ (USDA) ghi lại, một quả táo cỡ trung bình có khoảng 4g chất xơ, cung cấp 14% giá trị chất xơ hàng ngày của bạn.
Các chuyên gia khuyến khích nên ăn cả vỏ vì vỏ táo có lượng lớn chất xơ không hòa tan và pectin, giúp nhuận tràng, hỗ trợ trị táo bón hiệu quả hơn.
Theo một đánh giá năm 2021 trong Báo cáo Dị ứng và Hen suyễn Hiện tại, pectin còn được coi là một loại prebiotic. Prebiotic cung cấp thức ăn cho vi khuẩn đường ruột của bạn. Pectin cũng đã được chứng minh là cải thiện chức năng ruột và tăng khối lượng phân, thúc đẩy chất thải ra ngoài nhanh hơn.
Táo còn rất giàu sorbitol và fructozơ, đều có công dụng cải thiện tiêu hóa. Do đó, cho con ăn táo đều đặn mỗi ngày cũng là một cách giúp trị táo bón cho bé mà không cần dùng thuốc.
Các chuyên gia khuyên, mẹ cũng nên cho con uống nhiều nước, ăn nhiều sữa chua, bổ sung thêm men vi sinh, trong ngày cần có một khung giờ tạo thói quen cho con ngồi đại tiện, ví dụ 7 giờ mỗi tối… Nếu tình trạng không cải thiện cần đưa con đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Phụ nữ Việt Nam