Từ đầu năm tới nay, Mỹ đã ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong khi đó ở Anh, các ca nhiễm căn bệnh chết người "thế kỷ 19" như ban đỏ đang có chiều hướng gia tăng. Đó chỉ là 2 trong số những căn bệnh tưởng chừng chỉ còn trong quá khứ nhưng thực chất vẫn tồn tại.
1. Bệnh dịch hạch
Vào thế kỷ 14, dịch hạch – còn được gọi là “Cái chết đen” đã giết chết khoảng 60% dân số Châu Âu. Căn bệnh này lây lan từ các loài bọ chét sống trên cơ thể loài gặm nhấm, như chuột và sóc. Sự ra đời của vắc-xin, thuốc kháng sinh và điều kiện sống được cải thiện đã làm giảm sự lây lan của bệnh.
Ngày nay, dịch hạch khá hiếm gặp ở các nước phát triển, với chỉ khoảng 2 đến 10 trường hợp được ghi nhận tại Mỹ mỗi năm nhưng căn bệnh này vẫn tồn tại ở nhiều nơi khác. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hằng năm có từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc dịch hạch trên toàn cầu với số lượng nhiều nhất thuộc về các nước Châu Phi, Nam Mỹ và Châu Á, điển hình là Madagascar, Peru và Ấn Độ.
2. Rubella
Virus Rubella sẽ lây truyền cho những bào thai từ người mẹ chưa được tiêm phòng, có thể gây ra tử vong hoặc nhiều dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Việc tiêm phòng Rubella lần đầu tiên được tiến hành vào năm 1970 đã giúp cho nhiều quốc gia phát triển ngày càng đến gần việc loại trừ căn bệnh này. Tháng 4 năm 2015, châu Mỹ đã trở thành khu vực đầu tiên loại bỏ hoàn toàn Rubella, sau chiến dịch tiêm chủng kéo dài 15 năm.
Tuy nhiên, Rubella vẫn còn tồn tại ở các nước có mức độ tiêm chủng thấp, đặc biệt ở Châu Phi và Đông Nam Á. Mỗi năm có khoảng 110.000 trẻ sơ sinh được sinh ra với những hội chứng Rubella bẩm sinh.
3. Bệnh phong
Bệnh phong là một bệnh truyền nhiễm lây truyền qua việc tiếp xúc kéo dài với người bệnh. Nó gây tổn thương cho tế bào thần kinh và tế bào da dẫn đến hình thành các vết loét và tàn tật vĩnh viễn.
Bước đột phá đầu tiên trong điều trị phong là vào năm 1945 với thuốc dapsone, nhưng vi khuẩn phong nhanh chóng kháng thuốc. Điều này dẫn đến sự phát triển của một liệu pháp chữa trị thành công mới trong những năm 1970.
Số ca mắc bệnh phong trên toàn cầu đã giảm đáng kể trong vòng 30 năm qua, từ 5,2 triệu năm 1985 còn 216.000 trường hợp vào năm 2013. Hiện nay, căn bệnh này vẫn là một vấn đề ở Ấn Độ, Braxin và Indonesia, chiếm 80% số ca mắc trên thế giới.
4. Bệnh gout
Bệnh gout là một loại viêm khớp gây ra bởi sự hình thành axit uric hoặc muối urat, có thể dẫn đến sưng tấy và đau đớn. Lần đầu tiên được người Ai Cập tìm ra, gout từng được biết đến là "căn bệnh của các vị vua" vì nó liên quan đến việc ăn uống và tiêu thụ rượu quá nhiều.
Theo một nghiên cứu, lối sống không lành mạnh và tình trạng béo phì là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ mắc gout ở các nước phát triển, như ở Mỹ hiện nay là khoảng 8,3 triệu người - gần 4% số người trưởng thành.
5. Bệnh ho gà
Ho gà là một căn bệnh nhiễm trùng khiến đường hô hấp bị sưng phồng, gây ra những cơn ho dữ dội, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.
Trước những năm 1940, mỗi năm có hơn 200.000 trường hợp ho gà ở Mỹ và chỉ được kiểm soát cho đến khi việc tiêm vắc-xin trở nên phổ biến trong 80% dân số. Tuy nhiên, sự bùng phát dịch bệnh vẫn có nguy cơ xảy ra. Trong năm 2010, bang California đã ghi nhận tình trạng tồi tệ nhất trong vòng 60 năm, với gần 1.500 trường hợp mắc ho gà và 10 ca tử vong.
Có khoảng 16 triệu trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới vào năm 2008 với 95% ở các nước đang phát triển, giết chết khoảng 195.000 trẻ em.
6. Bệnh bạch hầu
Bạch hầu lây truyền qua ho hoặc hắt hơi, gây tử vong cho 5-10% số bệnh nhân mắc phải. Đây từng là một kẻ giết người nguy hiểm trong quá khứ, như ở Mỹ là 206.000 trường hợp vào năm 1921.
Các chương trình tiêm chủng đã gần như xoa sổ căn bệnh này ở các nước phát triển, chỉ có 5 trường hợp bạch hầu ở Mỹ trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, với các nước đang phát triển, đây vẫn là một vấn đề.
Trong năm 2011, gần 5.000 trường hợp mắc bạch hầu đã được ghi nhận trên toàn cầu. Các chuyên gia tin rằng có một con số tương đối khác đã không được báo cáo. Nó vẫn tiếp tục là mối đe dọa ở các khu vực của Châu Phi và Châu Á, nguyên nhân chủ yếu là do phạm vi tiêm phòng vẫn chưa đạt độ bao phủ 100% .
7. Bệnh ban đỏ
Bệnh này là do các vi khuẩn được tìm thấy trên da và cổ họng, gây ra những vết nổi mẩn đỏ. Vi khuẩn lây lan khi hắt hơi và ho, chạm vào da đang bị nhiễm bệnh hoặc dùng chung quần áo với người mắc. Hiện căn bệnh này vẫn chưa có vắc-xin.
Từ năm 1840 đến năm 1883, tỷ lệ tử vong do bệnh ban đỏ đã vượt quá 30% dân số ở một số khu vực tại Mỹ và Châu Âu. Nhưng từ những năm 1950, sự ra đời của thuốc kháng sinh và điều kiện sống được cải thiện đã khiến căn bệnh này trở nên hiếm gặp ở các nước phát triển.
Vào năm 2014, hơn 14.000 trường hợp mắc đã được báo cáo tại Anh - mức tăng cao nhất kể từ cuối những năm 1960 và vẫn tiếp tục xuất hiện vào năm 2015. Trên toàn cầu, sự bùng phát của bệnh ban đỏ vẫn có nguy cơ tiềm tàng, điển hình là 1.500 trường hợp từng được báo cáo ở Hồng Kông vào năm 2011.
8. Lao
Còn được gọi là "Bệnh dịch hạch trắng" khi tàn phá cả Châu Âu vào thế kỷ 18, bệnh lao (TB) hiện nay vẫn là kẻ giết người cứ mức lây lan lớn nhất thế giới, trên cả HIV.
Hơn 7.400 người Mỹ mắc bệnh lao vào năm 2014. Trên toàn cầu, TB đã giết chết khoảng 1,5 triệu người trong năm 2013 trên tổng số 9 triệu người mắc. Lao có thể được chữa trị nhưng các dạng kháng thuốc xuất hiện đã tạo ra nhiều thách thức trong việc kiểm soát dịch bệnh.
9. Bệnh còi xương
Còi xương là bệnh làm mềm và yếu xương ở trẻ em, thường là do thiếu vitamin D và canxi. Cuối thế kỷ 19, có tới 80-90% trẻ bị còi xương. Ngày nay, điều kiện sống được cải thiện ở các nước phát triển khiến còi xương được liệt vào danh sách bệnh hiếm và nhiều quốc gia đã chấm dứt việc theo dõi.
Mặc dù chưa có số liệu toàn diện về tỷ lệ còi xương trên thế giới nhưng các chuyên gia tin rằng, việc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và thiếu hụt vitamin D cũng như canxi trong chế độ ăn uống đang làm cho nó quay trở lại ở các nước đang phát triển.
10. Bệnh bại liệt
Con người đã sống với bệnh bại liệt trong hàng ngàn năm. Vi-rút lan truyền qua tiếp xúc với phân hay hắt hơi, đi đến não và tủy sống, gây mất cảm giác rồi dẫn đến liệt ở 1 số bộ phận cơ thể. Trong những năm 1940 - 1950, tại Mỹ có khoảng 35.000 người bị khuyết tật hằng năm vì bệnh bại liệt.
Vắc-xin được phát triển trong những năm 1950 - 1960. Kể từ khi Chương trình Xoá bỏ Bại liệt Toàn cầu bắt đầu vào năm 1988, hơn 2,5 tỷ trẻ em đã được tiêm chủng, giảm bại liệt được báo cáo cho đến nay, tất cả đều ở Afghanistan và Pakistan. 99% trường hợp bại liệt trên thế giới. Vào năm 2015, chỉ có 51 trường hợp nhiễm vi-rút.
Theo Huyền Anh/Dân Việt