Để nhấn mạnh sự "vô cùng cấp thiết" của việc thông qua một dự luật dẫn độ gây tranh cãi, chính quyền Hong Kong đã viện dẫn việc Đài Loan đang truy nã một thanh niên bị cáo buộc giết hại bạn gái, trong bối cảnh anh ta có thể được thả ra tại Hong Kong vào tháng 10, theo South China Morning Post.
"Không còn thời gian để lãng phí nữa. Chúng ta phải cố gắng thông qua luật trước kỳ họp 2018-2019 của hội đồng lập pháp, tức là trước mùa hè này", Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga từng phát biểu. "Vụ án mạng tại Đài Loan đã khiến đồng hồ đếm giờ chạy rồi. Chúng tôi không muốn nghi phạm trốn thoát".
Dự luật này đã kéo theo cuộc biểu tình lớn nhất tại Hong Kong trong 2 thập niên qua, khi hơn 1 triệu người xuống đường vào ngày 9/6 để phản đối. Con số cảnh sát đưa ra là 240.000 người biểu tình.
Mang lại công bằng
Thanh niên ở tâm điểm cơn bão là Chan Tong-kai, 20 tuổi, bị kết án 29 tháng tù hôm 29/4 vì tội rửa tiền có được từ việc cướp tiền và tài sản của người bạn gái bị sát hại. Cho đến khi có phán quyết này, Chan đã bị giam giữ 13 tháng.
|
Chan Tong-kai, 20 tuổi, bị giam 13 tháng trước khi tòa án Hong Kong đưa ra phán quyết. Ảnh: South China Morning Post. |
Phán quyết được đưa ra một ngày sau khi hàng chục nghìn người Hong Kong xuống đường phản đối một dự thảo sửa đổi luật mà sẽ cho phép đưa người bị truy nã từ Hong Kong sang Đài Loan, Trung Quốc đại lục và Macau.
Lee Ka-chiu, lãnh đạo ngành an ninh Hong Kong, cho biết Chan có thể được thả ra sớm nhất vào tháng 10, nếu tính đến số ngày nghỉ lễ cũng như khả năng anh ta được ân xá vì hành vi tốt. Chan không thể bị dẫn độ sang Đài Loan vì Hong Kong và Đài Loan chưa có thỏa thuận tương trợ tư pháp. Chính quyền Hong Kong phải thúc đẩy thông qua dự luật kịp thời để đưa anh ta về Đài Loan xét xử.
Bà Lâm từng bày tỏ hy vọng rằng các nhà lập pháp sẽ tận dụng thời gian để thảo luận về dự luật. Cuộc họp đầu tiên hôm 17/4 của họ đã thất bại vì các chính trị gia đối lập phản đối dự luật, sợ rằng nó sẽ khiến người dân Hong Kong phải đối mặt với hệ thống tư pháp tại Trung Quốc đại lục, vốn tách biệt với nền tư pháp Hong Kong.
Khi được hỏi liệu chính quyền có trì hoãn dự luật sau cuộc biểu tình hôm 28/4, bà Lâm tỏ ra quyết tâm hơn, cho biết bà đã gửi thư cho bố mẹ nạn nhân vụ sát hại, nói rằng đây không phải chuyện dễ dàng nhưng chính quyền sẽ làm mọi cách để mang lại công bằng cho con gái họ.
Thẩm phán Tòa án Tối cao Hong Kong Anthea Pang Po-kam cho biết tội rửa tiền của Chan đã nặng hơn bởi hành vi phạm tội nghiêm trọng liên quan đến việc trộm cắp từ một người mà anh ta thừa nhận đã giết hại.
|
Tòa án Tối cao Hong Kong. Ảnh: SCMP. |
Song bà nhấn mạnh rằng Chan chỉ có thể bị kết án trên cơ sở đó vì việc giết người tách biệt với các vụ trộm dẫn đến các cáo buộc hiện nay.
Người phát ngôn của cơ quan tư pháp Hong Kong cho biết: "Chúng tôi sẽ xem xét các lý do cho phán quyết và báo cáo vụ án của công tố viên để nhanh chóng xác định xem có bất kỳ hành động tiếp theo nào được yêu cầu hay không".
Giết bạn gái đang mang thai
Nhà lập pháp của đảng Dân sự Alvin Yeung Ngok-kiu, một luật sư chuyên nghiệp, nhận thấy bản án nặng hơn bình thường nhưng cho rằng đây là một trường hợp ngoại lệ.
Chan đã thừa nhận với cảnh sát Hong Kong rằng anh ta đã giết bạn gái của mình, Poon Hiu-wing, 20 tuổi, tại Đài Loan sau khi biết cô đang mang thai con của một người đàn ông khác, vài giờ trước khi họ định trở về Hong Kong vào ngày 17/2/2018.
Ở Hong Kong, Chan thừa nhận bốn cáo buộc về rửa tiền, có được từ việc trộm cắp tài sản của Poon, bao gồm thẻ ngân hàng, máy ảnh kỹ thuật số và iPhone 6, cũng như 20.000 đài tệ (650 USD) và 19.200 HKD (2.450 USD) tiền mặt. Anh ta đã sử dụng số tiền này để thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng của mình.
Hành vi phạm tội của anh ta có thể bị phạt tối đa 14 năm tù và 5 triệu HKD.
Chan không có nhiều lý do để xin giảm nhẹ, ngoại trừ yêu cầu luật sư Ronny Leung nhắc nhở tòa án rằng anh ta có hồ sơ trong sạch và đã được đưa về tạm giam để điều tra thêm từ khi cảnh sát Hong Kong bắt giữ anh ngay sau khi anh nhập cảnh ngày 13/3/2018 - cùng ngày nhà chức trách Đài Loan phát hiện cơ thể đã phân hủy của Poon.
Vụ án đã gây ra phản ứng gay gắt tại thành phố về quyền con người và kêu gọi đưa những kẻ bỏ trốn ra ánh sáng công lý. Tuy nhiên, dự luật dẫn độ lại gây ra những quan ngại cho sự độc lập của tư pháp Hong Kong.
Nếu đề xuất sửa đổi luật được thông qua, Hong Kong sẽ có thể bàn giao những kẻ trốn nã cho các khu vực tài phán mà họ không có thỏa thuận dẫn độ, bao gồm cả Trung Quốc đại lục, Macau và Đài Loan.
Chính quyền đã cam kết sẽ xem xét cẩn thận từng trường hợp và từ chối mọi đề nghị không đáp ứng các yêu cầu pháp lý, nhưng các nhà phê bình lo ngại Bắc Kinh có thể lạm dụng luật mới để nhắm vào các nhà hoạt động chính trị.
Theo Đông Phong/Zing.vn