Ba năm trước, anh Manu mất người vợ thân yêu trong lúc cô đang mang bầu. Một lần, lội suối lấy nước, vợ của Manu vô tình bị té vì đoạn đường quá trơn trượt, nguy hiểm.
Vợ của Manu bị động thai, mất nhiều máu dẫn đến tử vong, nhưng may mắn các bác sĩ đã cứu được con gái. Manu không tin rằng anh mất vợ, nỗi ám ảnh mình là tác nhân khiến vợ phải khổ sở ngày qua ngày băng rừng lội suối kiếm nguồn nước sạch vì thiếu nước khiến anh chẳng dám đi bước nữa. Manu không muốn người phụ nữ mình yêu thương chịu khổ, hay chết oan uổng, trong khi người thân hối thúc Manu tìm người kết đôi để nối lại hôn nhân và con gái anh cũng cần một người mẹ. Phải có nước sạch trước khi tái hôn.
|
Phụ nữ Ấn Độ đối mặt với nhiều nguy hiểm để đi lấy nước mỗi ngày. |
Manu tìm đến tổ chức WaterCredit, vay ít tiền mua máy bơm nước bằng tay và ống dẫn nước. Anh miệt mài bơm ngày này qua ngày khác, cuối cùng cũng may mắn có được nguồn nước sạch. Lúc ấy anh mới tự tin ngỏ lời với chị Beauty Begun.
Sau đó, chị Beauty Begun xin vay thêm một khoản khác từ WaterCredit để có tiền làm nhà vệ sinh cho gia đình. Với nhiều người dân Ấn Độ, nhà vệ sinh riêng là ước mơ có khi đến hết cuộc đời họ cũng chẳng chạm đến được vì… thiếu nước. Ngày qua ngày, chị Beauty cùng con gái riêng của chồng chăm chỉ làm vòng đeo cổ, vòng tay và nhiều món trang sức thủ công khác, bán lấy tiền trả nợ dần. Nếu không nhanh chóng xoay xở, có lẽ họ cũng như hàng triệu người dân Ấn Độ khác vẫn khổ sở vì cạn kiệt nguồn nước sạch.
Hôn nhân có hạnh phúc hay không cũng... tùy vào nguồn nước. Đó là suy nghĩ phổ biến ở các vùng quê Ấn Độ hiện nay. Tìm cho vợ nguồn nước sạch là cách người đàn ông thể hiện tình yêu thương. Vợ anh Bapurao Tajne bị cấm lấy nước từ làng bên vì xuất thân bần hàn, trong khi những giếng thuộc làng Kolambeshwar (bang Maharashtra), nơi chị sinh sống chẳng còn giọt nước nào.
Bapurao quyết tâm tìm nguồn nước mới. Anh chọn một mảnh đất, chuyên tâm đào giếng tìm nước. Mỗi ngày sáu giờ, liên tục trong 40 ngày đào bới, Bapurao Tajne mới thấy những giọt nước đầu tiên. Chị Sangita, vợ anh Bapurao cho biết, chồng mình đi làm thuê suốt 14 giờ trong ngày, nhưng về đến nhà là anh lao vào đào giếng. Dù hiếm khi nào nói lời lãng mạn với vợ nhưng hành động của anh Bapurao khiến chị Sangita vô cùng hạnh phúc, vì chị hiểu đó là cách chồng chăm sóc cho gia đình. Giếng nước anh Bapurao đào đã sâu đến 4,5m và anh vẫn tiếp tục đào xuống thêm 1,5m nữa.
Với nhiều cuộc hôn nhân ở Ấn Độ, nước trở thành cầu nối hoặc có khi là rào cản. Không ít cô dâu từ hôn vì nhà chồng không có nguồn nước đủ để làm nhà vệ sinh. Tháng trước, chỉ còn bốn ngày là diễn ra hôn lễ, nhưng cô dâu Neha vẫn từ hôn với một người đàn ông qua mai mối vì gia đình anh này thất hứa, không xây nổi cho cô một chỗ vệ sinh riêng tư. Neha nói với gia đình cô sẵn sàng lấy người chồng không có nhiều của cải nhưng nhất định phải là người xây cho cô được… cái toilet!
Không lâu sau đó, Neha nên duyên với Sarvesh, người đáp ứng yêu cầu của cô trong một lễ cưới tập thể. Neha nói: “Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu thiếu những nhu cầu thiết yếu nhất. Có quá nhiều bi kịch xảy ra với phụ nữ khi nhà vệ sinh ở xa. Nước không có phục vụ cho nhu cầu vệ sinh thì làm sao hy vọng có được nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt trong ngày? Tôi từ hôn vì không muốn mình bước vào cuộc hôn nhân đoán trước sẽ rất mờ mịt”.
Khoảng 170 nhà hoạt động, học giả và nhà kinh tế mới đây cùng ký tên trong một lá thư công khai gửi chính phủ Ấn Độ, phản ánh bức xúc của họ đối với thực trạng nguồn nước hiện nay. Duy trì nguồn nước sạch là bài toán chẳng dễ dàng trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt hiện nay. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng cam kết thực hiện chiến dịch bảo tồn nguồn nước nhằm “giải hạn” cho người dân nhưng đến nay, người dân dường như phải tự cứu lấy mình là chính khi hạn hán tiếp tục xâm lấn quá sâu vào cuộc sống mọi người.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):
Theo Báo Phụ Nữ