Không phải là chuyện hiếm
Theo “Kinh Hoa thời báo”, ngày 30/11/2016, ông Trương ở Môn Đầu Kiều, Bắc Kinh đến tòa án khởi tố vợ và xin ly hôn vì không chịu nổi bạo hành thân thể từ phía bà vợ. Sau khi điều tra xem xét; ngày 3/12/2016 tòa án đã ra quyết định cấm mọi hành vi bạo lực gia đình và quấy rối của bà vợ đối với ông.
Tòa án cho rằng, việc ông Trương xin được bảo hộ phù hợp với quy định về điều kiện xin được bảo hộ trong “Luật chống bạo lực gia đình” nên đã đưa ra quyết định trên. Đây là trường hợp đầu tiên tòa án thành phố Bắc Kinh áp dụng lệnh bảo vệ đối với một đương sự là đàn ông.
|
Vợ chồng bình đẳng trong gia đình, nhưng ít khi người chồng được bảo vệ. |
Tại An Huy, ngày 31/8/2016 các nhân viên tòa án đã cùng cảnh sát Dĩnh Nam và các cán bộ hội phụ nữ tiến hành thông báo Lệnh bảo hộ thân thể theo yêu cầu của một người chồng. Đây là quyết định đầu tiên kiểu này ở An Huy.
Theo báo chí, hai vợ chồng ông Khương và bà Trịnh xảy ra mâu thuẫn trong 2 năm gần đây do vấn đề kinh tế và con cái, thường xuyên xảy ra tranh chấp, sau phát triển thành vũ lực, ông Khương tuổi cao và yếu hơn nên thường bị vợ đánh đập.
Ở Đan Đông, Liêu Ninh, đầu năm 2016 xảy ra vụ ông chồng Lưu Cương bé nhỏ không may mắn vì bà vợ Triệu Hân vốn là đô vật nữ. Lúc đầu họ sống với nhau hạnh phúc, nhưng sau khi mở một quán ăn thì bà vợ thay đổi hẳn.
Lưu Cương thì tất bật phục vụ, làm đủ mọi việc; bà vợ chỉ ngồi thu tiền, tán gẫu với khách rồi còn có quan hệ mờ ám với khách. Lưu Cương thấy khó chịu, đầu tiên họ cãi nhau, rồi tiến tới “võ đấu”. Mỗi lần ẩu đả, Lưu Cương đều là kẻ chịu thiệt vì không địch nổi vợ. Ông muốn ly hôn nhưng con còn nhỏ, đành cứ mỗi lần bị đánh lại gọi cảnh sát đến cứu.
Pháp luật ra tay bảo vệ
Tư liệu của Hội phụ nữ Tứ Xuyên cho thấy, trong số 1.845 đơn thư kêu cứu vì nạn bạo lực gia đình, chỉ có 2% là của các ông chồng, trong khi thực tế tỷ lệ lớn hơn nhiều. Luật sư Dương Thiệu Cương, một người tham gia nhiều vụ án về bạo lực gia đình cho biết: Nói đến bạo lực gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến những người bị hại là phụ nữ và trẻ em.
Trên thực tế, đàn ông cũng trở thành nạn nhân của tệ nạn này, nhiều nhất là “bạo lực lạnh” như khinh rẻ, nhục mạ, mà kiểu “bạo lực lạnh” này nhiều khi còn gây nên hậu quả nghiêm trọng hơn cả bạo hành thân thể.
Khi phụ nữ bị bạo hành, họ thường tìm kiếm sự bảo vệ ở bạn bè thân hữu hoặc trình báo chính quyền, cơ quan pháp luật; còn khi đàn ông bị bạo hành thường nhẫn chịu hoặc giải quyết bằng cách xin ly hôn, rất ít người tố giác hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ, bảo vệ từ người khác.
Việc ra đời “Luật chống bạo lực gia đình” đã tạo căn cứ pháp luật hữu hiệu để họ bảo vệ mình, nhưng trong đời sống thực tế, hiện tượng đàn ông bị bạo hành luôn bị coi nhẹ.
Báo “Trùng Khánh buổi sáng” đưa tin, theo kết quả điều tra của một cơ quan công ích, trong số những người đàn ông được hỏi, có tới 80% nói đã từng bị bạo lực gia đình, chủ yếu là “bạo lực lạnh”, kế đó là bị cào cấu, túm tóc, số ít bị vật cứng tác động vào cơ thể.
Luật hình sự sửa đổi thực thi từ ngày 1/11/2015 lần đầu tiên mở rộng đối tượng bị xâm hại của tội “dâm ô” từ “phụ nữ” thành “người khác”, về bản chất là đã đưa nạn nhân là nam giới vào phạm vi bảo hộ của pháp luật.
Việc sửa đổi này cho thấy các nhà lập pháp Trung Quốc đang dần nhận thức được tính nghiêm trọng và cấp bách của việc bảo vệ các nạn nhân là nam giới trong các vụ án loại này.
Vì vậy, đã đến lúc những nạn nhân giới mày râu cần dũng cảm đứng lên sử dụng biện pháp pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; bảo vệ bản thân, cũng là giúp đỡ cả xã hội.
Theo Lan Hương/Tiền Phong