Câu chuyện về hành trình thoát khỏi "nhà chồng" ở Trung Quốc của "cô dâu chạy trốn" người Triều Tiên có tên Mi-yong đã được đăng tải trên tờ báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Bị lừa bán sang Trung Quốc làm dâu cho một gia đình, Mi-young (24 tuổi) đã tuyệt vọng tìm cách thoát khỏi cuộc sống tù túng với “chồng” cũng như sự giám sát của một người phụ nữ lớn tuổi.
Trước đó, Mi-young đã vượt biên vào Trung Quốc với sự giúp đỡ của một “thương nhân”. Cô được hứa hẹn với công việc phục vụ bàn và hy vọng có thể gửi tiền về cho gia đình.
Được biết, gia đình Mi-yong đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn kể từ khi cha cô bị đưa đến trại cải tạo lao động cách đây hai năm và công việc kinh doanh của cô thất bại.
|
Một tổ chức phi chính phủ cho biết, cuộc sống của những người tị nạn Triều Tiên ở Trung Quốc trở nên nguy hiểm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: SCMP. |
Cơn ác mộng của cô gái trẻ vẫn tiếp diễn sau khi sang Trung Quốc. “Thương nhân” giúp Mi-young vượt biên chính là một tay buôn người. Tên này đã đưa Mi-young tới nhà vợ chồng một kẻ môi giới khác. Họ đã nhốt Mi-young trong nhà cho tới khi cô chấp nhận chung sống với một người đàn ông Trung Quốc.
“Đôi vợ chồng đó nói với tôi rằng, việc chung sống với người đàn ông Trung Quốc đó là lựa chọn tốt nhất để có thể giúp gia đình tôi ở Triều Tiên. Họ đưa tôi đến một ngôi nhà có rất nhiều nam giới bị tàn tật và bảo tôi chọn một người làm “chồng”, Mi-young kể lại.
Mi-young chia sẻ, cô đã khóc rất nhiều bởi cô biết rằng hình phạt đang chờ đợi cô ở Triều Tiên còn đáng sợ hơn bởi cô đã tự ý đào tẩu.
“Cuộc sống (của tôi) ở Trung Quốc thật kinh khủng”, Mi-young nghẹn ngào.
|
Ngày càng nhiều người Triều Tiên tới Thái Lan. Ảnh: SCMP. |
May mắn, với sự giúp đỡ của tổ chức tình nguyện Helping Hands Korea, Mi-young và một phụ nữ Triều Tiên khác đã trốn khỏi Trung Quốc, sang Lào và tiếp tục vào Thái Lan bằng thuyền hồi đầu tháng 8/2017.
Khi Mi-young và bạn của cô đến Thái Lan vào ngày 9/8, họ đã được đưa tới một trung tâm tạm giữ những người nhập cư trước khi được đưa tới Đại sứ quán Hàn Quốc, theo một thỏa thuận “ngầm” giữa Thái Lan và Hàn Quốc.
Được biết, Hàn Quốc cấp quyền công dân tự động cho tất cả những người dân Triều Tiên. Do vậy, Mi-young và bạn cô đang chờ Đại sứ quán Hàn Quốc hoàn tất thủ tục để cho phép họ tái định cư ở thủ đô Seoul.
SCMP cho hay, Mi-yong và bạn cô là hai trong số ngày càng nhiều người Triều Tiên tới Thái Lan. Theo Reuters, trong nửa đầu năm 2017, 385 người Triều Tiên đã tới Thái Lan, so với con số 535 vào năm ngoái. Tuy nhiên, hành trình này ngày càng trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn.
“Do Triều Tiên và Trung Quốc phối hợp kiểm soát biên giới, số lượng phụ nữ vượt sông Đồ Môn và Áp Lục đang giảm dần”, Tim Peters, đến từ tổ chức Help Hands Korea, cho biết.
Theo Peters, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng các biện pháp nhằm “ngăn chặn dòng người tị nạn” vào nước này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Trong năm qua, Trung Quốc đã âm thầm trục xuất số lượng lớn nhân viên cứu trợ người Hàn Quốc hậu thuẫn, bảo vệ và cung cấp chỗ ở cho những công dân Triều Tiên không có giấy tờ hợp pháp.
Tuy nhiên, vẫn có những tổ chức đang nỗ lực hỗ trợ những người phụ nữ tị nạn Triều Tiên ở Trung Quốc, giúp họ tiếp tục cuộc sống với người “chồng” ở Trung Quốc hoặc sang nước thứ ba.
Steve Kim, người sáng lập 318 Partners, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ chuyên cứu giúp những trẻ mồ côi Triều Tiên và những phụ nữ bị lừa bán ở Trung Quốc, cho hay bây giờ là thời điểm quan trọng nhất để giúp đỡ những người Triều Tiên ở Trung Quốc.
“Chúng tôi biết một khu vực có tới hơn 600 phụ nữ Triều Tiên đã bị lừa bán. Chúng tôi đã cử tình nguyện viện đến gặp họ và một vài người phụ nữ sẵn sàng chia sẻ với chúng tôi. Tuy nhiên, hầu hết họ vẫn đang phải sống trong lo sợ và tuyệt vọng”, Kim nói.
Thiên An (Theo SCMP)