Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Đức, sau cơn bão số 3, số ca bệnh nhân đến viện cấp cứu có xu hướng gia tăng, có ngày bệnh viện tiếp nhận 180 ca cấp cứu, trong đó có đến 74 ca liên quan hậu mưa bão. Các bệnh nhân bị thương do nhiều lý do khác nhau như ngã khi sửa nhà, chặt dọn cây đổ sau mưa bão, trơn trợt bị ngã... trong đó, có những ca chấn thương sọ não, vỡ đại tràng nguy kịch.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình 1, cho biết, số bệnh nhân đang điều trị tại khoa tăng 150% so với số giường có thể tiếp nhận được. Nguyên nhân là do nhiều bệnh nhân ảnh hưởng của mưa bão chưa thể xuất viện, trong khi nhiều bệnh nhân mới lại vào nên số bệnh nhân tăng vọt.
Người bệnh nằm ngoài hành lang do ảnh hưởng của cơn bảo số 3, chưa thể ra viện. Ảnh: BS Nguyễn Mạnh Khánh.
Trước tình trạng trên, khoa đã bố trí giường cáng ở hành lang bệnh viện cho bệnh nhân nằm, đảm bảo chăm sóc y tế, dinh dưỡng đầy đủ, không có tình trạng nằm ghép. Hệ thống điện, nước cùng cơ sở vật chất được kiểm tra nghiêm ngặt, không gián đoạn quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân, theo bác sĩ.
TS.BS Quách Văn Kiên, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, bác sĩ trong kíp trực bệnh viện ngày 9/9 cho biết, số ca đến viện cấp cứu liên quan đến hậu cơn bão số 3 tăng gấp 5 lần so với ngày xảy ra bão, đa số là ca nặng ở tuyến dưới chuyển lên. Các bệnh nhân đã số bị tai nạn sinh hoạt, chấn thương do khắc phục sự cố, hậu quả sau bão.
Điển hình như trường hợp chuyển đến từ Sơn La, bị gãy xương gần khớp gối do ngã xe máy khi lưu thông trên đường vào sáng 8/9. Theo lời bệnh nhân, nguyên nhân do trời mưa khiến đát đá sạt lở, trong khi tránh đá to trên đường anh bị ngã và bị gãy xương.
Bác sĩ Kiên thông tin về tình trạng cấp cứu sau cơn bão số 3.
Hay như một nam bệnh nhân khác ở Bắc Giang, giúp hàng xóm sửa mái nhà bị tốc sau bão đã bị ngã từ cao xuống, tai nạn xảy ra chiều 7/9, nhưng do mưa bão đi lại khó khăn, đến trưa 8/8, bệnh nhân mới được đưa đến Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân được mổ ngay sau đó, nhưng tình trạng vỡ đại tràng gây nhiễm khuẩn, nguy kịch. Bệnh nhân hiện vẫn thở máy.
Ngoài Bệnh viện Việt Đức, một số bệnh viện khác như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện E Trung ương cũng đang “căng mình” cấp cứu, phẫu thuật cho các bệnh nhân gặp nạn trong và sau cơn bão số 3. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, các bệnh viện đã lên kế hoạch phòng chống bão toàn diện, với nhiều phương án dự phòng, nhằm đảm bảo cho người bệnh nội trú, cũng như cấp cứu các trường hợp gặp nạn do mưa bão gây ra.
Ví dụ như Bệnh viện Việt Đức, ngoài công tác đảm bảo về cơ sở vật chất, bệnh viện chú trọng đặc biệt tới công tác chuyên môn, sắp xếp tua trực 24/24 bao gồm đội ngũ y bác sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên y tế với phân công nhiệm vụ cụ thể, thu dung cấp cứu nạn nhân do mưa, bão gây ra, không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh, đảm bảo sẵn sàng xử lý bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.
Song song đó, bệnh viện đã thành lập Ban điều hành và các tổ y tế lưu động ứng phó bão do giám đốc bệnh viện làm Trưởng ban, 8 tổ y tế lưu động gồm các bác sĩ, điều dưỡng, lái xe thuộc bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ cho các cơ sở y tế lân cận và các bệnh viện tuyến dưới trong công tác cấp cứu, vận chuyển cấp cứu người bệnh… để kịp thời ứng phó với mưa bão.
LÊ PHƯƠNG.