Người thực sự khôn ngoan biết giữ một chút "khoảng trống" cho mọi thứ

Google News

Bạn có thể trung thực, nhưng bạn không cần phải nói ra tất cả mọi thứ. Một người thực sự khôn ngoan biết cách "để dành" chỗ trống cho mọi thứ.

Trong hội họa, có một phương pháp biểu đạt nghệ thuật gọi là "khoảng trống", nghĩa là không lấp đầy hình ảnh trong cả bức tranh mà để lại một số khoảng trống thích hợp. Phương pháp này không chỉ có thể làm nổi bật chủ đề tốt hơn mà còn mang đến cho mọi người không gian để tưởng tượng.

Điều này cũng đúng với một cuộc sống tốt đẹp. Đôi khi cố gắng hết sức lại có thể phản tác dụng. Nếu bạn không chừa chỗ cho lời nói và hành động, bạn sẽ chỉ tự làm khó mình và con đường sẽ ngày càng hẹp hơn. Một người thực sự khôn ngoan biết cách "để dành" chỗ trống cho mọi thứ.

Lời nói không thể cạn kiệt, đó là một loại trí tuệ thế gian

Trong rừng nọ, con cáo bấy lâu vẫn thèm món thịt nhím nhưng chưa thể lại gần vì nhím có thể cuộn mình thành một quả cầu gai.

Một hôm, nhím trò chuyện với quạ, quạ khen nhím có bộ gai như áo giáp. Nhím thích lắm, nó coi quạ là bạn thân và tiết lộ rằng: “Tôi cũng có một điểm yếu. Đó là khi tôi cuộn người lại, phần bụng sẽ có một lỗ nhỏ và nếu thổi không khí vào đó, tôi sẽ chịu không nổi, ngứa ngáy mà duỗi mình ra.”

Sau khi nói xong, nó liên tục dặn quạ không được nói bí mật này với người khác, quạ cũng gật đầu. Thế nhưng ngay sau đó, quạ đã rơi vào bẫy của cáo và để đổi lấy mạng sống của mình, nó đã nói cho cáo biết điểm yếu của nhím. Cuối cùng, nhím đã trở thành bữa ăn ngon cho cáo kia.

Trong cuộc sống, nhiều người cũng giống như chú nhím trong câu chuyện trên, khi nói chuyện với người khác không hề giữ kẽ. Họ thậm chí còn kể cho nhau nghe những chuyện riêng tư, tỏ tường hết mọi điều trong lòng, cuối cùng gây ra những rắc rối không đáng có cho chính mình.

Gibran nói: “Nếu bạn tiết lộ bí mật cho gió, bạn không nên trách gió đã tiết lộ bí mật cho khu rừng”. Thay vì đổ lỗi cho người khác không đủ chân thành, trung thực, tốt hơn hết là bạn nên kiểm soát miệng của mình. Suy cho cùng, không phải ai cũng có thể tin tưởng được. Tấm lòng của bạn có thể không đổi được sự chân thành mà ngược lại còn khiến chính bạn gặp rắc rối.

Biết kiềm chế trong lời nói không phải thiếu chân thành mà là biểu hiện của sự khôn ngoan. Người biết đâu là điều nên nói, đâu là điều không nên chính là biết tự bảo vệ mình.

Che giấu sức mạnh thay vì khoe khoang tài năng

Những bậc thầy thực sự biết cách che giấu bản thân, không khoe khoang tài năng của mình. Họ biết tốt hơn là che giấu sức mạnh của mình, vào thời điểm cần thiết sẽ phát huy.

Có một câu nói rất hay rằng: “Giữ cho mình những bí mật quan trọng cũng là để lại cho mình một lối thoát”.

Che giấu sức mạnh không chỉ là một loại tự bảo vệ mà còn là một phương thức sinh tồn để nhận ra giá trị bản thân. Một số người luôn cố thể hiện tài năng của mình bất kể cơ hội nào, tỏ ra kiêu ngạo. Tuy nhiên, điều này chỉ phơi bày sự phù phiếm và nông cạn của họ. Họ không những không được tôn trọng mà còn bị người khác từ chối.

Bước đi trong thế giới mà không kiêu ngạo hay bốc đồng, biết che giấu sâu sắc sức mạnh, ấy chính là người khôn ngoan nhất.

Để lại tia sáng cho người khác cũng là để lại lối thoát cho chính mình

Để lại “chỗ trống” cho mọi thứ là cách để trở thành một người trưởng thành thực sự. Như trong lĩnh vực kinh doanh, cạnh tranh là cần thiết nhưng không cần phải đấu đá đến chết. Tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh mới là điều có lợi hơn cho sự phát triển của chính mình.

Có một "Nguyên tắc Lansden" trong quản lý nói rằng khi bạn đang trong quá trình leo cao, nhất định phải giữ cho cái thang sạch sẽ, nếu không bạn có thể bị trượt ngã khi leo xuống. Điều này cũng muốn nói với chúng ta rằng: Làm việc gì cũng phải có tầm nhìn dài hạn, có tiến có lùi, để cơ hội cho người khác đồng thời cũng chừa lối thoát cho chính mình.

Thế giới đang thay đổi và không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Quyết định hôm nay có thể trở thành hiểm họa tiềm ẩn vào ngày mai.

Dù trong công việc hay cuộc sống cá nhân, mỗi người sống đều cần có lòng nhân từ và độ lượng. Để lại một tia sáng cuộc đời cho người khác cũng là để lại một lối thoát cho chính mình. “Không làm gì” không chỉ là một loại lòng tốt mà còn là một khuôn mẫu của sự thành công.

Bạn có thể trung thực, nhưng bạn không cần phải nói ra tất cả mọi thứ. Dù có tài cũng đừng tỏ ra biết tuốt. Ngay cả khi bạn chiếm thế thượng phong, cũng không cần phải chặn hết đường của người khác. Chỉ khi bạn biết chừa lại khoảng trống, chúng ta mới có thể đương đầu với những phức tạp của xã hội và vững vàng tiến lên phía trước.

BẢO ANH.