Hiếm trường đào tạo, điểm chuẩn vừa sức
Những ngành học liên quan đến lĩnh vực Y tế như Y khoa, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y khoa, Điều dưỡng… đã quá quen thuộc với các kỳ tuyển sinh khi mức điểm chuẩn luôn thuộc TOP đầu. Tuy nhiên, một ngành học “sinh sau đẻ muộn” liên quan đến sức khỏe cộng đồng vừa chính thức được tuyển sinh từ năm 2015 đã thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh là Dinh dưỡng học.
Dinh dưỡng - một ngành học chuyên về việc nghiên cứu, quản lý về các quá trình ăn uống, trao đổi chất của con người. Ngoài ra, sinh viên sẽ được tìm hiểu về các chất vitamin, chất hữu cơ, khoáng chất... có trong đồ ăn, thức uống hằng ngày. Ngành học này còn giúp xây dựng quy trình chăm sóc và tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế.
Ngành Dinh dưỡng học sẽ giúp nâng cao sức khỏe của con người, phòng ngừa mức độ nghiêm trọng của các căn bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Mục tiêu của ngành giúp người học hiểu được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe con người, nắm rõ kiến thức về giá trị các dưỡng chất của thực phẩm. Ngoài ra, khi theo đuổi ngành học này, sinh viên sẽ tìm hiểu cơ chế hấp thu, chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Từ đó, có thể đưa ra tư vấn và những lời khuyên tốt nhất đối với sức khỏe người cần được tư vấn.
Trước đây, lĩnh vực này sẽ được dạy trong các ngành thuộc lĩnh vực Y tế cộng đồng. Từ năm 2015, ngành Dinh dưỡng học đã chính thức được tuyển sinh ở các trường ĐH tại Việt Nam chuyên về lĩnh vực Y khoa như: trường ĐH Y Dược (TP.HCM), trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, trường ĐH Y Hà Nội, trường ĐH Y tế công cộng…
Năm 2024, điểm chuẩn của ngành Dinh dưỡng học dao động từ 20,4 - 24,1 điểm cho tổ hợp xét tuyển B00 (Toán - Hóa - Sinh). Trung bình thí sinh cần 7-8 điểm/môn để có thể theo đuổi ngành học này.
Năm 2024, trường ĐH Y Dược TP.HCM có mức điểm chuẩn ngành Dinh dưỡng học cao nhất cả nước khi cán mốc 24,1 điểm. Đây cũng là cơ sở giáo dục uy tín, đào tạo nhiều thế hệ y, bác sĩ tài giỏi ở khu vực phía Nam.
Ra trường làm chuyên gia dinh dưỡng, thu nhập ổn định
Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng, mọi người thường tìm đến các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn, thăm khám. Từ đó, họ sẽ điều chỉnh cơ chế sinh hoạt, ăn uống của bản thân và các thành viên trong gia đình. Vì thế, sinh viên theo học ngành Dinh dưỡng có thể tìm kiếm được công việc phù hợp nếu thật sự yêu thích và đam mê với lĩnh vực này.
Đây là tháp nhu cầu dinh dưỡng cần thiết của con người. Tuy nhiên, tùy theo thể trạng của mỗi người lại có cách ăn uống, khả năng hấp thụ chất khác nhau. Lúc này, chuyên gia dinh dưỡng đóng vai trò cần thiết để tư vấn, hướng dẫn chúng ta cách chăm sóc sức khỏe có hiệu quả.
Chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành Dinh dưỡng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hà (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y tế công cộng) cho biết sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể hoạt động chuyên môn tại các khoa dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong bệnh viện, hay tại các trung tâm kiểm soát bệnh tật tuyến tỉnh, các trung tâm y tế huyện...
Đồng thời, nếu sinh viên vững kiến thức sẽ được tiếp tục quá trình nghiên cứu khoa học, nâng cấp lên học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường đại học về khoa học sức khỏe. Ngoài ra, sau tốt nghiệp, cử nhân ngành Dinh dưỡng sẽ có cơ hội cộng tác với các tổ chức về dinh dưỡng, y tế công cộng như trường học, viện dưỡng lão hoặc các công ty kinh doanh thực phẩm…
Ngoài ra, cử nhân ngành Dinh dưỡng có thể đóng góp cho xã hội thông qua giáo dục, cung cấp kiến thức về dinh dưỡng và thực phẩm, giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Ngành học này thường xuyên phải đối mặt với những thách thức của cuộc sống, từ việc nghiên cứu về thực phẩm mới đến việc giải quyết vấn đề dinh dưỡng toàn cầu. Do đó, đòi hỏi sinh viên phải không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng của bản thân.
Không chỉ dễ dàng tìm kiếm việc làm, sinh viên theo học ngành Dinh dưỡng sau khi tốt nghiệp sẽ sở hữu mức thu nhập cạnh tranh từ 7-12 triệu đồng/tháng. Và con số này có thể tăng gấp đôi nếu các chuyên gia dinh dưỡng nâng cao kiến thức bản thân, tích luỹ kinh nghiệm và thực hành nghề bằng sự đam mê của mình.
Theo một số nghiên cứu tại Mỹ, thu nhập của một chuyên gia dinh dưỡng có mức lương trung bình từ 61.000-74.900 USD/năm (tương đương 1,5-1,9 tỷ đồng/năm). Do đó, nếu sinh viên sở hữu khả năng về ngoại ngữ, vững kiến thức chuyên môn cũng có thể làm việc tại nước ngoài hoặc các trung tâm, bệnh viện quốc tế với mức thu nhập đáng mơ ước.
Dự đoán trong tương lai, ngành Dinh dưỡng học sẽ trở thành một trong những ngành HOT nhất trong lĩnh vực Y tế - Sức khỏe vì con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe bản thân, gia đình. Hơn hết, đây cũng là lĩnh vực đóng góp không nhỏ cho xã hội, đặc biệt trong việc phòng ngừa và kiểm soát các bệnh mãn tính liên quan đến chế độ ăn uống như tiểu đường, tim mạch, béo phì… Các chuyên gia trong ngành không chỉ tư vấn các kế hoạch ăn uống khoa học mà còn nghiên cứu và phát triển những phương pháp dinh dưỡng tối ưu để cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
TẤN PHƯỚC