Ngành đào tạo “phiên dịch viên” số liệu
Thời gian qua, chúng ta chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của khoa học công nghệ, hàng loạt công nghệ tiên tiến ra đời như trí tuệ nhân tạo AI, ChatGPT, công nghệ chuỗi khối (Blockchain), thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR)... tạo ra những bước đột phá đáng kể. Đi đôi với đó là sự phát triển của hệ thống dữ liệu lớn (big data), với tốc độ tăng trưởng vượt bậc cả về khối lượng lẫn mức độ phức tạp. Trong thực tế, các ngành nghề từ kinh doanh, y tế, giáo dục đến giải trí đều phụ thuộc ngày càng nhiều vào dữ liệu để đưa ra các quyết định chiến lược, cải thiện hiệu quả hoạt động và nâng cao trải nghiệm người dùng.
Từ đó, người làm công việc Phân tích dữ liệu (Data Analytics) đóng vai trò quan trọng, cốt lõi. Họ chính là những người có nhiệm vụ khai thác và biến kho tàng dữ liệu khổng lồ thành những thông tin giá trị. Bên cạnh việc thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu bằng các công cụ và kỹ thuật riêng, người làm trong lĩnh vực Data Analytics còn trình bày dưới dạng biểu đồ, hình ảnh và đóng góp vào việc dự đoán xu hướng tương lai và đề xuất các giải pháp cải thiện.
Từ những số liệu thô sơ, nhà Phân tích dữ liệu sẽ thu thập, xử lý, đánh giá thông tin, biến chúng thành dữ liệu trực quan dưới dạng biểu đồ, hình ảnh... để cấp trên có thể đưa ra định hướng giải quyết tình hình kinh doanh của công ty, doanh nghiệp.
Ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thông tin, đưa ra nhận định về lĩnh vực này: "Ngành này hiện tại đang HOT, vì thông tin dữ liệu bắt đầu ngày càng nhiều. Đặc biệt trong bối cảnh các sàn thương mại điện tử, các ngân hàng, tổ chức tài chính… họ cực kỳ quan tâm đến ngành Phân tích dữ liệu. Điển hình như các tổ chức bất động sản có thể đưa ra những phân tích dữ liệu tại một khu đất thì có tiềm năng tới đâu trong vòng 5-10 năm nữa". Vì thế, ngành học Phân tích dữ liệu được ra đời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của thời đại.
Ở Việt Nam, để trở thành người làm trong lĩnh vực Phân tích dữ liệu, các bạn có thể theo học những ngành liên quan đến Khoa học dữ liệu, Toán kinh tế. Đây là ngành học giúp cung cấp cho các bạn những kiến thức nền tảng về việc xử lý, phân tích dữ liệu đồng thời sẽ giúp các bạn trang bị những kiến thức chuyên ngành sâu và rộng hơn về khoa học dữ liệu cũng như hệ thống thông tin.
Hiện tại, chỉ có vài trường đào tạo lĩnh vực này như trường ĐH Kinh tế - Luật, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trường ĐH Kinh tế Tài chính, trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG Hà Nội)… Học sinh có thể xét tuyển bằng điểm thi THPT Quốc gia với các tổ hợp A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh), D01 (Toán - Văn - Anh), D07 (Toán - Anh - Hóa) hoặc xét tuyển bằng kỳ thi ĐGNL do các trường tổ chức.
Khu vực phía Bắc, năm 2024, trường ĐH Bách Khoa học sinh có thể lựa chọn ngành Phân tích kinh doanh (chương trình tiên tiến) để tìm hiểu về lĩnh vực này với mức điểm chuẩn 25,5 và ngành Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (chương trình tiên tiến) với điểm chuẩn cán mốc 28,22. Ngoài xét tuyển theo các tổ hợp A00, A01, D01, D07, trường ĐH Bách Khoa còn dành chỉ tiêu xét tuyển ở tổ hợp A02 (Toán - Sinh - Lý), B00 (Toán - Hóa - Sinh), D26 - D28 - D29 (tổ hợp môn Toán - Lý kết hợp cùng các môn ngoại ngữ lần lượt là Đức, Nhật Bản, Pháp).
Khu vực phía Nam, năm 2024, trường ĐH Kinh Tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) tuyển sinh chuyên ngành Phân tích dữ liệu thuộc Khoa Toán Kinh tế với mức điểm chuẩn 26,3 điểm. Tương tự, trường ĐH Kinh tế tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu với định hướng đào tạo liên quan đến lĩnh vực Phân tích dữ liệu có điểm chuẩn 26,3 điểm với các tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07.
Nhìn chung, để theo đuổi định hướng Phân tích dữ liệu, thí sinh cần đạt từ 8-9 điểm/môn trong kỳ thi THPT Quốc gia. Đây là ngành học HOT trong thời gian gần đây nên điểm chuẩn cao là điều dễ lý giải.
Luôn khát nhân lực, thu nhập tiền tỷ mỗi năm không khó
Ngày nay, nhu cầu nhân lực có về kỹ năng phân tích dữ liệu đang tăng lên, nhiều công ty cần tuyển dụng vị trí này nhưng lại thiếu thốn nhân lực. Theo bà Lisa Gevelber - Phó Chủ tịch Google nhận định lĩnh vực Phân tích dữ liệu đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Bà dự đoán rằng trong 10 năm tới, số lượng vị trí việc làm liên quan đến nghề này sẽ tăng tới 30%, vượt xa mức tăng trưởng của nhiều ngành khác. Theo bà, đó là điều tất yếu khi các doanh nghiệp ngày càng coi trọng việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm chủ quan.
Sau khi hoàn thành chương trình học 4 năm, các cử nhân theo đuổi định hướng trở thành nhà Phân tích dữ liệu có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau: Tài chính, Phân tích kinh doanh, Phân tích và tư vấn chính sách, Kỹ sư về dữ liệu… Hoặc sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành liên quan đến Toán và Kinh tế có thể phát triển các hướng chuyên sâu như Kinh tế toán, Toán tài chính, Định phí bảo hiểm… Ngoài ra, sinh viên nếu có thành tích học tập xuất sắc có thể giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hay các cơ sở đào tạo ngành Khoa học, phân tích dữ liệu.
Hiện nay, một trong những lý do khiến nghề Phân tích dữ liệu thu hút nhiều người là mức thu nhập đầy hấp dẫn. Theo số liệu từ Glassdoor, một nhà Phân tích dữ liệu giàu kinh nghiệm có thể nhận mức lương trung bình hằng năm lên đến 110.000 USD (tương đương khoảng 2,8 tỷ đồng). Thậm chí, một số vị trí làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kinh doanh của công ty, doanh nghiệp còn có mức lương vượt ngưỡng 150.000 USD (khoảng 3,8 tỷ đồng).
Mặc dù Data Analytics là một ngành nghề HOT nhưng vẫn còn trống nhiều vị trí do thiếu nhân lực cứng kỹ năng và hiểu rõ về cách phân tích, xử lý, đánh giá dữ liệu.
Để trở thành một nhà Phân tích dữ liệu giỏi, bạn cần trang bị một bộ kỹ năng đa dạng và chuyên sâu. Trước hết, khả năng xử lý và phân tích dữ liệu là yêu cầu cốt lõi, bao gồm kiến thức về ngôn ngữ lập trình, thành thạo trong việc sử dụng các công cụ văn phòng. Đặc biệt, bạn phải nắm được cách mô tả trực quan dữ liệu và kỹ năng tổng hợp, trình bày kết quả. Cuối cùng, kỹ năng giao tiếp tốt giúp bạn truyền đạt thông tin một cách hiệu quả đến với cấp trên, đồng nghiệp.
Phân tích dữ liệu hiện đang là một trong những nghề nghiệp hấp dẫn nhất đối với giới trẻ khi nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn, thu nhập cao và nhiều cơ hội phát triển. Lĩnh vực này còn mở ra một con đường sự nghiệp đầy triển vọng cho những người yêu thích dữ liệu và công nghệ.
TẤN PHƯỚC