Loại cây được xem là cỏ dại, trồng ít chăm sóc, chẳng sợ sâu bệnh, nông dân miền Tây nhẹ nhàng bỏ túi trăm triệu đồng

Google News

Loài cây cỏ bình dị, gắn liền với cuộc sống nông dân ở miền Tây không những giúp bảo vệ hệ sinh thái, tạo không khí trong lành mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Cỏ bàng - loài cây thân thảo thuộc họ cói, phần thân cứng, to khoảng 8-10mm, nằm ngang trong bùn. Lá của cỏ bàng dài, hẹp, nhọn ở đầu, có màu xanh đậm. Khi đủ tuổi phát triển, loại cỏ này cao từ 1-2m.

Từ xa xưa, người dân sống tại miền Tây Nam Bộ đã thấy cây cỏ bàng mọc dại ở khắp nơi. Sau này, khi biết được công dụng của chúng, nông dân mới tìm hiểu kỹ thuật trồng, quyết định đầu tư, canh tác và có được tín hiệu rất khả quan. 

Là giống cây trồng dễ thích nghi với nhiều điều kiện môi trường khác nhau, chịu được hạn hán, cỏ bàng có sức sống mãnh liệt, phát triển tốt trên các loại đất nghèo dinh dưỡng hay đất phèn, ngập mặn. Do đó, người dân miền Tây đã tận dụng quỹ đất của gia đình để trồng thêm loại cây này, nâng cao thu nhập.

Loài cây phát triển tốt ở những vùng đất ẩm ướt, ven sông, hồ, ao, ruộng lúa… Cây cỏ bàng được trồng nhiều tại khu vực các tỉnh Tiền Giang, Long An, An Giang, Kiên Giang… 

Cây cỏ bàng cần tưới nước thường xuyên, đặc biệt là trong giai đoạn đầu sau khi trồng và bón phân định kỳ để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Tuy không cần tỉa cành, cắt lá thường xuyên nhưng nông dân nên dọn cỏ dại mọc xung quanh khu vực trồng, để tạo điều kiện cho giống cây này phát triển tốt.

Thông thường, cỏ bàng sau khi thu hoạch, xử lý sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: túi xách, giỏ, nón, bao bì sản phẩm… Hiện nay, con người ứng dụng cây cỏ bàng trở thành nguyên liệu xanh, tạo ra ống hút sinh học thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Ưu điểm của các sản phẩm chế tạo từ loại cây đặc biệt này có độ bền cao, giá thành phù hợp với đa dạng tệp khách hàng. 

Sau thời gian gắn bó với cây lúa, tốn nhiều công chăm sóc nhưng thu nhập bấp bênh, ông Năm Tàu (ngụ huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) quyết định chuyển sang trồng cỏ bàng. 

Cây cỏ bàng kể từ khi gieo giống đến thời điểm đạt điều kiện để thu hoạch mất từ 10-12 tháng. Trong suốt quá trình canh tác, ông Tàu tiết lộ chỉ cực nhất khâu nhổ bỏ cỏ dại từ đầu mùa. Sau đó, chỉ cần cấp nước đầy đủ cho cây là có thể đợi đến mùa thu hoạch. “Cỏ bàng vốn dễ trồng, chịu được đất nhiễm phèn. Nông dân trồng cỏ bàng ít tốn chi phí phân, thuốc vì cây ít sâu bệnh” - ông Năm Tàu bộc bạch.

Mỗi vụ thu hoạch cỏ bàng thường kéo dài 10-15 ngày. Khi thu hoạch cỏ phải dùng lưỡi liềm, cắt thủ công bằng tay chứ không dùng máy, tránh dập nát phần gốc vì khi cây càng đẹp, ít bị gãy sẽ được giá cao. Sau khi thu hoạch, gốc cỏ bàng sẽ phát triển thành cây mới. 

Nhờ loại cây thân thiện với môi trường, ông Tàu đã kiếm về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/vụ. 

Gia đình ông Ngô Văn Đẫm (ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có truyền thống hơn 30 năm trồng cỏ bàng. Ông Đẫm cũng nối nghiệp gia đình, bắt đầu sản xuất cỏ bàng trên mảnh đất rộng 6ha. 

Mỗi khi đến mùa thu hoạch, gia đình ông lại cùng nhau ra đồng, bắt đầu gặt cỏ. Sau khi cắt, cỏ bàng được bó lại thành bó to có kích cỡ khoảng 1 vòng tay của người lớn. Nếu nền đất khô ráo, người dân sẽ giũ cỏ tại ruộng hoặc vận chuyển lên bờ mới tiến hành công đoạn giũ cỏ. 

Sau khi thu hoạch, người dân sẽ thực hiện phân loại cỏ bàng. Với cây cao trên 1,6m được phân ra thành loại 1, thương lái thu mua loại này với giá khoảng 19.000 đồng/bó. Còn những cây loại 2 từ 1,2m đến dưới 1,6m có giá thu mua với mức giá từ 15.000 đồng/bó.

“Sau khi thu hoạch xong, thường không cần xuống giống lại mà thực hiện ngay việc chăm bón vụ mới. Từ các gốc cắt cũ, cây cỏ bàng tiếp tục sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, khi trồng từ 5-7 năm, thường người trồng cỏ bàng sẽ tiến hành thay giống mới để bảo đảm cây phát triển tốt và cho sản lượng cao” - ông Đẫm tiết lộ về quá trình thu hoạch, gieo giống cây cỏ bàng.

Với giá cỏ bàng thương lái thu mua tận nơi như hiện nay, sau khi trừ chi phí, hàng năm người dân trồng cỏ bàng thu lãi trên 100 triệu đồng/1ha.

Trồng cỏ bàng không khó tuy nhiên để có năng suất cao, người nông dân phải dọn cỏ dại, khi thu hoạch không làm ảnh hưởng đến gốc và rễ của cây.

Loài cây này không yêu cầu kỹ thuật trồng phức tạp và tốn nhiều chăm sóc, nên đây trở thành mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhờ nguyên liệu cỏ bàng mà nhiều lao động tại các địa phương có thể phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, từ đó nâng cao thu nhập của bản thân, gia đình.

TẤN PHƯỚC