Trúng độc đắc ắt hẳn sẽ đổi đời nhưng không phải ai có tiền nhờ xổ số cũng sẽ có cuộc sống sung túc đến khi không còn tồn tại trên thế gian. Thậm chí có người sau khi trúng số lại rơi vào tình cảnh khổ cực hay vướng vào tấn bi kịch để rồi quay trở về với "máng lợn". Điển hình như hai người đàn ông dưới đây.
Trúng số vẫn nghèo đói cùng bao vận đen bủa vây
Anh N.Q.Đ (SN 1965, TP.HCM) sinh ra trong gia đình nghèo khó, có đông anh chị em. Vì thế anh không được học hành đủ đầy như những người cùng thời. Năm 15 tuổi, anh bắt đầu học nghề sơn xe ở khu chợ gần nhà. Sau đó anh tham gia nghĩa vụ quân sự gần 4 năm rồi trở về lại tiếp tục theo học nghề cũ.
Thành thạo nghề, anh Đ chọn một góc tại chung cư Nguyễn Kim mở tiệm sơn sống qua ngày. Anh không kiếm được nhiều tiền nhưng cũng đủ để hai vợ chồng cơm cháo qua ngày.
Đến khi con trai đầu lòng chào đời, gánh nặng tài chính đổ dồn lên đôi vai của anh. Anh kiếm tiền không đủ trang trải, đánh đi vay mượn tứ tung… nợ nần càng nhiều, đồ đạc trong nhà cũng “đội nón” ra đi để lo cho con.
Một buổi chiều cách đây hơn chục năm, khi chuẩn bị dọn cửa tiệm về nhà nghỉ ngơi, anh Đ bất ngờ gặp một chị bán vé quen đứng trước tiệm. Chị này chìa tập vé mời anh mua. Anh định bụng không mua vì làm gì có tiền nhưng nghĩ đến thâm tình bao năm liền tặc lưỡi mua giúp. Anh rút trong sấp vé 3 tờ rồi mua chịu, mỗi tờ mệnh giá 2.000 đồng.
“Tôi mua nhưng không hi vọng thần tài gõ cửa nhà mình. Vì thế tôi chẳng hề nghĩ đến tấm vé, ngờ đâu sáng hôm sau, khi bắt đầu dọn cửa tiệm ra làm, có rất nhiều người tìm đến. Trong đó có chị bán vé số và cả người chủ đại lý vé số với bao tiền trong tay. Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì nhận được thông báo đã trúng số độc đắc với số tiền 150 triệu đồng – số tiền vô cùng lớn tại thời điểm bấy giờ”, anh Đ nhớ lại.
Anh Đức miệt mài với công việc vất vả của mình.
Anh Đ không tin mình trúng số vì làm gì “ăn” dễ dàng như thế! Anh liền lấy 3 tờ vé số trong túi ra dò và vỡ òa khi thấy dãy số trên tờ vé của anh trùng với kết quả nhà đài xổ. Bạn bè đứng đó bắt anh cho xem tờ vé cho bằng được.
Có tiền, anh Đ đã đưa cho vợ, mua mảnh đất xây nhà là… hết sạch. Sau đó anh lao vào cuộc mưu sinh bằng nghề cũ nhưng vẫn không thể thoát nổi kiếp làm con nợ. Anh kể do công việc làm ăn sau này bê bết, thiếu trước hụt sau nên phải vay nợ và trả góp hàng tháng.
Nhắc đến số tiền 150 triệu đồng trúng số, anh Đ cho rằng “vận may” này giống như vay nợ của cuộc đời, như là tiền của người khác. “Khi ai đó trúng số thì cũng dần dần phải trả nợ đời, không thể giữ nó lâu dài bên mình được. Tôi thấy không chỉ cái khó nó đeo bám mà cái khổ cũng “kề sát” tôi. Sau khi trúng số, vận xui cứ liên tiếp ập đến với gia đình.
Vợ tôi đang khỏe mạnh bỗng dưng phát bệnh tâm thần. Tôi đưa cô ấy đi chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi. Sau đó vài năm, anh chị em trong nhà cứ lần lượt ra đi khiến cả gia đình rơi vào cảnh tang thương”, anh Đ tâm sự.
Người đàn ông trúng độc đắc 2 lần nhưng nhanh chóng quay trở về "máng lợn"
Ông Hoàng Hiệp (TP.Cà Mau, Cà Mau) sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo ở huyện Đầm Dơi, quanh năm chịu đói chịu khát. Sau đó ông theo cả nhà lên thành phố chọn nghề chạy đò chở hàng thuê làm kế sinh nhai. Năm 1996, hàng hoá chủ yếu vận chuyển bằng tàu đò, thương lái có nhu cầu nhiều. Vì thế ông có dịp làm ăn, kiếm bộn tiền song vẫn không thể giàu lên nhờ mấy đồng bạc lẻ từ những chuyến đò qua sông.
Gánh nặng cơm áo cùng công việc vất vả đã khiến người đàn ông Cà Mau chán nản. Hôm ấy, trước giờ xổ số quay thưởng, ông được cô gái bán vé số mời chào và nài nỉ mua giúp. Ông nghe lọt tai liền tặc lưỡi mua ủng hộ 7 tờ, chứ không hề nghĩ đến chuyện được thần may mắn… gõ cửa. Ngờ đâu tất cả đều trúng giải đặc biệt với tổng trị giá 350 triệu đồng, tương đương 800 lượng vàng 24K vào thời điểm đó.
Bỗng dưng có số tiền lớn, ông Hiệp từ người khố rách áo ôm đã trở thành đại gia chỉ sau một đêm. Ông chẳng toan tính gì nhiều ngoài thẳng thừng tuyên bố từ giã con đò, bắt đầu sống cuộc đời của một người có tiền. Song ông lại chi tiêu "ngược" so với anh Đ, tức không sắm sửa hay dựng xây nhà mới, cũng chẳng gửi tiết kiệm làm vốn phòng thân, không cờ bạc rượu chè. Thứ duy nhất mà ông say mê và thích thú chính là… phụ nữ buôn phấn bán hoa.
Ông Hiệp có cơ may trúng số đến 2 lần nhưng vẫn chẳng thể thoát khỏi cảnh nghèo khó.
“Anh ấy đã dồn rất nhiều tiền cho những cuộc tình một đêm. Người ta bảo anh đang trả thù lúc nghèo khó, khao khát mùi vị của phụ nữ. Có lẽ họ nói đúng bởi sau một thời gian, anh có trong tay hàng dài danh sách chân dài sẵn sàng phục vụ bất kể ngày đêm.
Anh sẵn sàng bao nuôi các người đẹp ở thành thị, các cô gái buôn phấn bán hoa. Thậm chí anh còn cấp tiền cho gia đình của các cô ở quê để sửa nhà. Còn đối với người vợ đầu ấp tay gối bao năm, anh ruồng rẫy mặc lời can ngăn của gia đình”, bà Yên – em họ của ông Hiệp cho hay.
Người đàn ông tham sắc phụ ngãi đã mải miết chạy theo các cuộc ăn chơi, bỏ mặc người vợ cô đơn trong ngôi nhà cũ rách nát. Và không chịu đựng được thực tại, vợ ông Hiệp đã đề nghị ly hôn, đường ai nấy đi. Nhờ đó ông được đà ăn chơi, cung phụng các bóng hồng.
Chỉ sau một năm trúng độc đắc, số tiền còn lại của ông Hiệp chưa đủ ăn hủ tiếu trong chục ngày. Nhưng số ông lại may mắn vô cùng, giữa lúc bĩ cực nhất đã trúng 5 tờ vé độc đắc, lần nữa trở thành đại gia… bao gái.
Không bao lâu, ông Hiệp hết tiền trúng số lần 2, phải vay nợ nặng lãi để có tiền chi tiêu hằng ngày. Ông chẳng mấy lún sâu vào nợ nần khi lãi mẹ đẻ lãi con. Vì thế ông đành lăn lộn tìm kế mưu sinh, tìm đến người bạn mua lại chiếc xuồng cũ để tiếp tục với cái nghề thuở cơ hàn.
NGỌC HÀ