Ở miền Tây có nhiều gia đình “độc nhất vô nhị”: một vợ - 2 chồng, một vợ - 3 chồng… Họ dù nghèo khó nhưng sống rất tình cảm, đặt nghĩa tình phu thê lên hàng đầu. Thậm chí các ông chồng còn coi nhau như anh em ruột thịt, chẳng bao giờ xảy ra sứt mẻ.
Mới đây, dư luận tiếp tục xôn xao trước câu chuyện một chồng – 2 vợ tại Đồng Tháp. Ai cũng ngỡ ngàng trước hình ảnh vợ nhỏ ân cần chăm sóc, quan tâm vợ lớn. Cả hai thân thiết như thể chị em ruột.
Anh Văn (55 tuổi) – người chồng xác nhận mối quan hệ giữa anh và 2 người phụ nữ. Anh nói: “Đó là 2 người vợ của tôi: vợ cũ và vợ mới. Sở dĩ tôi nói vậy có nguyên do của nó và đằng sau là cả một câu chuyện dài.
Xưa tôi cưới người vợ đầu tên Mến (57 tuổi), có chung 2 đứa con gái. Chúng tôi sống với nhau mấy chục năm, nhiều lần “cơm không lành, canh chẳng ngọt” nhưng vẫn cố gắng vì các con.
Cách đây 6 năm, bà ấy đuổi tôi đi, không muốn làm vợ chồng. Tôi nài nỉ nhiều lần, muốn hàn gắn nhưng bất thành. Vì thế tôi đành ly hôn, bỏ đi nơi khác sinh sống”.
Anh Văn cùng vợ cũ (áo tím) và vợ mới (áo đen).
Một thời gian sau, anh Văn quen và tìm hiểu cô gái tên Diễm (49 tuổi) ở huyện bên cạnh. Cả hai đồng cảnh ngộ nghèo khó, lại sống một mình nên quyết định nên nghĩa phu thê. Họ sống bằng nghề làm thuê làm mướn với hi vọng có một tổ ấm hạnh phúc.
Không lâu sau, chị Diễm hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Anh Văn hạnh phúc khi được làm cha lần thứ 3 ở cái tuổi đầu đã 2 thứ tóc. “Hồi đó tôi mừng lắm, cứ nghĩ mình chẳng thể có con được nữa. Ngờ đâu vợ sinh cho một cậu con trai đáng yêu.
Hằng ngày, tôi chăm chỉ đi làm thuê, tối lại về chăm con giúp vợ. Tôi còn tự nhủ phải cố gắng cho con một cuộc sống đủ đầy, vậy mà giờ lại lang thang ngoài đường”, người đàn ông rưng rưng.
“Biến cố gì khiến anh không nhà cửa, chẳng mảnh đất cắm dùi?”, khi được hỏi anh Văn thẳng thắn cho biết con trai chập chững biết đi, anh hay tin con rể thứ 2 tai nạn qua đời, con gái bỏ đi để mặc cháu ngoại cho vợ cũ chăm sóc. Sau đó chị Mến ngã bệnh, anh quyết định trở về để bao bọc.
“Tôi nghe người ta nói bà Mến mắc bệnh vẫn phải đi làm thuê làm mướn mua sữa cho cháu ngoại. Tôi không cầm được lòng nên quay trở về ngỏ ý muốn được chăm sóc 2 bà cháu.
Tôi cũng nói với Diễm rằng dù chúng tôi không yêu thương nhau nhưng vẫn còn cái nghĩa mấy chục năm. Giờ bà ấy bệnh, lại nuôi cháu ngoại nên tôi muốn chăm sóc nốt quãng đời còn lại. Diễm hiểu chuyện nên đồng ý để tôi đón 2 bà cháu về nhà”, anh Văn nhớ lại.
Họ luôn yêu thương và quan tâm lẫn nhau.
Từ ấy, anh Văn bỗng nhiên sống chung với 2 người vợ: vợ cũ và vợ hiện tại. Anh coi họ như người thân, không thiên vị bất cứ ai. “May mắn cả 2 vợ của tôi đều hiểu chuyện, yêu thương nhau vô điều kiện. Họ xưng hô với nhau là chị - em, thân mật đến mức khiến nhiều người ngỡ là chị em ruột.
Tôi mừng lắm, chẳng thể ngờ khi bước qua ngưỡng tuổi 50 lại có một gia đình hòa thuận, vui vẻ và sẵn sàng cùng nhau vượt mọi gian khổ, dông tố. Song sóng gió vẫn tiếp tục ập tới gia đình, khiến chúng tôi lần nữa lao đao”, người đàn ông bật khóc.
Anh Văn cho biết con gái lớn không may mắc bệnh hiểm nghèo. Anh thương con đành bán nhà để có tiền chạy chữa. Sau đó anh đưa 2 vợ, con trai cùng cháu ngoại xuống ở tạm trên ghe. Cả nhà ở một thời gian tiếp tục chuyển lên ở trọ nhưng vì cuộc sống khốn khó, chẳng thể lo được tiền đóng cho chủ nhà nên phải làm chiếc xe di động.
“Tôi mua chiếc xe này vài triệu đồng, sau đó độ cho rộng rãi ra. Chúng tôi cứ ăn ngủ trên chiếc xe này, thậm chí còn coi đây là nhà.
2 bà ấy muốn nấu cơm thì vô quán cà phê xin nước, đun bằng bếp gas mini. Còn tắm rửa nhờ chỗ cây xăng. Người dân ở đây hiểu hoàn cảnh của chúng tôi nên giúp đỡ nhiều lắm. Họ còn khâm phục nghĩa tình mà chúng tôi dành cho nhau”, người đàn ông bộc bạch.
Nhắc đến ước mong trong năm mới, anh Văn hi vọng sẽ có vài bộ quần áo mới cho con và cháu ngoại, thêm chiếc bánh chưng xanh, dưa hành củ kiệu để cả nhà có không khí xuân về. Sau đó, anh chỉ mong có công việc ổn định để lo cho gia đình.
NGỌC HÀ