Nghĩ đến mẹ chồng tôi thấy sung sướng hạnh phúc quá các chị ạ. Bà tâm lý, hiểu con dâu từng li từng tí một nên sống với bà, tôi thoải mái vô cùng.
Vợ chồng tôi ra trường là cưới luôn nhưng thả hơn năm vẫn chưa có bầu. Thấy tôi lo lắng, mẹ chồng động viên:
“2 đứa còn trẻ, chuyện con cái cứ từ từ rồi sẽ có. Thời gian này tranh thủ đưa nhau đi du lịch đây đó chứ lúc có con rồi, muốn đi cũng khó”.
Mẹ chồng tâm lý, hiểu con dâu từng li từng tí một nên sống với bà, tôi thoải mái vô cùng. (Ảnh minh họa)
Tính tôi ham chơi, thích di chuyển lại được mẹ chồng ủng hộ nên cứ chỗ nào thấy dân mạng review cảnh đẹp, đồ ăn ngon là vợ chồng xách vali đi. Đến năm thứ 2 vẫn chưa có bầu, tôi bắt đầu sốt ruột vào việm khám. Kết quả chồng bình thường còn tôi bị trứng không rụng trong chu kỳ dẫn tới khó có thai. Lúc nghe bác sĩ thông báo tình trạng bệnh, tôi ngây người, về nhà lo tới mất ăn mất ngủ. Mẹ chồng tôi ngược lại, bà luôn an ủi con dâu:
“Con cứ lạc quan, điều trị bệnh theo phác đồ bác sĩ chỉ định rồi mọi chuyện sẽ ổn”.
Mặc dù chồng tôi là con trai một nhưng bà chưa bao giờ tạo áp lực, căng thẳng cho con dâu chuyện sinh nở. Hàng xóm thi thoảng sang nhà chơi thắc mắc hỏi sao mãi chưa thấy tôi mang bầu, bà liền đáp:
“Con cái là cái duyên, lúc nào ông trời cho là có. Mình mong hay giục cũng chẳng được”.
Biết con dâu đi thăm khám nhiều tốn kém, bà thi thoảng lại chuyển cho tôi đôi ba triệu bảo:
“Tiền mẹ có tiêu đến đâu. Con cầm lấy mua gì tẩm bổ. Mình phải khỏe thì mới có sức bầu bí về sau”.
May mắn, chạy chữa hơn 2 năm tôi cũng mang bầu, mẹ chồng mừng lắm. Bà chăm sóc từng li từng tí, ngày nào đi làm về bà cũng nấu sẵn món con dâu thích để tẩm bổ. Tôi nghén không ăn được thì mẹ chồng tự xay hoa quả, ép nước uống cho đỡ ngán.
Tôi bầu mấy tháng nghén quá lại yếu nên nghỉ việc ở nhà, quanh ra quẩn vào cũng chán. Thấy con dâu cứ than ngắn thở dài mẹ chồng bảo con trai:
“Con tranh thủ đưa vợ về ngoại chơi cho thoải mái. Phụ nữ đẻ rồi vướng con vất lắm. Trong khi nhà ngoại con bé cách nhà mình tới gần 200km, lại càng khó có thời gian về lâu nên giờ về được thì về luôn, chơi thỏa thích, lúc nào chán hãy về đây”.
Về nhà ngoại thì đương nhiên là thích rồi, tôi cũng xin phép lên đó một thời gian chơi với ông bà. Lúc chuẩn bị đồ đạc, mẹ chồng còn đưa cho 15 triệu bảo cầm để mua bán thêm. Bà dặn đi dặn lại phải đi đứng cẩn thận, ăn uống đầy đủ không có con bị còi, mẹ thì gầy sẵn rồi cứ khảnh ăn.
Lúc chuẩn bị đồ đạc, mẹ chồng còn đưa cho 15 triệu bảo cầm để mua bán thêm. (Ảnh minh họa)
Con dâu về nhà ngoại thôi mà mẹ chồng chuẩn bị cho bao nhiêu quà biếu thông gia, dặn tỉ mỉ từng thứ, làm tôi cứ cảm giác như mẹ đẻ dặn con gái về nhà chồng không bằng ý. Sướng nhất là lúc bà bảo:
“Con thích ở trên ngoại đến khi nào thì ở, nhưng gần đẻ phải về đây để mẹ còn chăm cữ”.
Thấy mẹ chồng lo cho mình như vậy tôi cứ thương thương bà. Nói thật là nhiều lúc mẹ đẻ còn không chăm bẵm được mình như bà. Ở nhà mẹ tôi tính bộp chộp cứ quàng quạc suốt, ngứa mắt cái gì là bà quát ngay nhưng mẹ chồng thì khác hẳn, ân cần, thủ thỉ với con dâu làm mình cũng thương quý bà chứ không ác cảm.
Giờ tôi đang ăn dưỡng trên nhà ngoại nhưng ngày nào mẹ chồng cũng gọi điện hỏi thăm xem nay có nghén nhiều không? Uống sữa bầu chưa, rồi dặn dò nghe mà mát cả ruột gan. Mẹ chồng tốt như vậy chắc trước tôi cũng phải tu mấy kiếp mới gặp được đó các chị ạ.
Cách nhận biết các dấu hiệu trứng không rụng trong chu kỳ
Thông thường, nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn đều đặn và cơ thể có những thay đổi khi “mùa dâu” đến như đau bụng dưới, căng tức ngực, thân nhiệt tăng hoặc xuất hiện một số triệu chứng khác của hội chứng tiền kinh nguyệt như đầy hơi, chuột rút, thay đổi tâm trạng… thì đây là những dấu hiệu cho thấy chu kỳ của bạn có rụng trứng.
Tuy nhiên, bạn có thể nghi ngờ chu kỳ không rụng trứng thông qua một số dấu hiệu không rụng trứng sau đây:
Kinh nguyệt không đều: Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn thường kéo dài trên 35 ngày hoặc rút ngắn ít hơn 21 ngày và không thể dự đoán trước thì tình trạng này được xem là kinh nguyệt không đều. Bên cạnh đó, nếu bạn thường xuyên trễ kinh trên 2 tuần thì đây cũng có thể là dấu hiệu không rụng trứng cần lưu ý.
Kinh nguyệt ra quá nhiều hoặc quá ít: Một chu kỳ kéo dài hơn 7 ngày và chảy nhiều máu (ước tính trên 80 ml) hoặc một chu kỳ quá ngắn và chảy ít máu (dưới 20 ml) cũng có thể là dấu hiệu bất thường và cần đi khám phụ khoa.
Vô kinh: Mất kinh một hoặc nhiều chu kỳ thường là dấu hiệu trứng không rụng điển hình mà chị em cần lưu ý.
Thân nhiệt không thay đổi: Quá trình rụng trứng có thể khiến thân nhiệt của bạn tăng nhẹ. Bạn có thể theo dõi vấn đề này qua biểu đồ nhiệt độ cơ thể. Nếu bạn không có dấu hiệu rụng trứng thì thân nhiệt sẽ không thay đổi trong suốt một chu kỳ.
Không tiết dịch âm đạo: Trước và trong quá trình rụng trứng, âm đạo thường tiết dịch trông giống như lòng trắng trứng. Vì vậy, nếu sắp đến ngày “đèn đỏ” mà bạn không thấy xuất hiện chất nhầy thì đó có thể là dấu hiệu không rụng trứng.
NẮNG