Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội nghiên cứu ung thư Mỹ, sức khỏe răng miệng kém, trong đó có các bệnh về lợi và các vấn đề nha khoa có liên hệ với việc nhiễm virus HPV - nguyên nhân dẫn đến khoảng 40-80% số ca ung thư hầu họng.
"Sức khỏe răng miệng kém là một yếu tố dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV qua đường miệng và theo chúng tôi được biết thì đây là nghiên cứu đầu tiên xem xét mối liên hệ này", Tiến sỹ Thanh Cong Bui thuộc Trường Y tế Công cộng-Đại học Texas, Mỹ cho biết.
Rất may là, bằng cách duy trì vệ sinh răng miệng và sức khỏe răng miệng tốt, người ta có thể ngăn ngừa nhiễm HPV và ung thư liên quan đến HPV", tiến sỹ nói.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số những người tham gia nghiên cứu mà được báo cáo là có vấn đề về sức khỏe răng miệng thì hơn 56% bị nhiễm HPV qua đường miệng, trong khi con số này lần lượt là 51% và 28% với những người có bệnh về lợi và các vấn đề nha khoa. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã liên hệ việc bị nhiễm HPV qua đường miệng với số răng bị mất.
Tương tự như nhiễm HPV sinh dục, nhiễm HPV qua đường miệng có thể có hai loại: nhiễm các loại HPV nguy cơ thấp mà không gây ra ung thư, nhưng có thể gây ra nhiều loại u lành tính hoặc mụn cóc trong miệng, và lây nhiễm HPV nguy cơ cao loại có thể gây ra bệnh ung thư hầu họng.
Tiến sỹ Thanh Cong Bui, Christine Markham và các đồng nghiệp đã sử dụng dữ liệu từ Cuộc khảo sát đánh giá dinh dưỡng và sức khỏe (NHANES) giai đoạn 2009-2010 do Trung tâm quốc gia về thống kê y tế thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh y tế quốc gia tiến hành. Cuộc khảo sát này thực hiện với khoảng 5.000 người được tuyển dụng mỗi năm, nằm trong các quận trên toàn nước Mỹ.
Các nhà nghiên cứu xác định 3.439 người độ tuổi từ 30 đến 69 tuổi, có vấn đề về sức khỏe răng miệng và xác định sự hiện diện hay vắng mặt của 19 loại virus HPV nguy cơ thấp và 18 loại HPV nguy cơ cao trong khoang miệng. Dữ liệu sức khỏe răng miệng bao gồm bốn biện pháp của sức khỏe răng miệng: tự đánh giá sức khỏe răng miệng tổng thể, sự hiện diện của bệnh nướu răng, sử dụng nước súc miệng để điều trị các vấn đề về răng trong qua bảy ngày của cuộc khảo sát, và số răng bị mất. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, việc sử dụng cần sa, hút thuốc lá, và thói quen tình dục bằng miệng với nguy cơ bị nhiễm HPV.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy nam giới hút thuốc lá, sử dụng cần sa và có thói quen tình dục bằng miệng sẽ bị tăng nguy cơ nhiễm HPV qua đường miệng. Họ cũng nhận thấy sức khỏe răng miệng kém là một yếu tố độc lập dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV qua đường miệng, cho dù người đó có hút thuốc hay quan hệ tình dục bằng miệng hay không.
HPV xâm nhập vào vết loét trong miệng và từ đó lây nhiễm nên sức khỏe răng miệng kém như bị loét, vỡ niêm mạc, hoặc viêm mạn tính có thể là con đường cho HPV xâm nhập, tiến sỹ Bùi nói. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để làm rõ hơn mối liên hệ này, tiến sỹ Bui nói.
"Mặc dù cần nghiên cứu thêm để xác nhận mối quan hệ nhân quả giữa sức khỏe răng miệng và nhiễm HPV qua đường miệng, nhưng duy trì sức khỏe răng miệng tốt rất có lợi. Vệ sinh răng miệng là nền tảng cho sức khỏe răng miệng. Thực hành vệ sinh răng miệng nên trở thành một thói quen cá nhân", tiến sỹ nhấn mạnh.