Liên quan đến vụ thảm sát ở Bình Phước, PV báo Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Chu Văn Tiến – Công ty Luật TNHH An Nam thuộc Đoàn Luật Sư thành phố Hà Nội và đồng nghiệp.
Dưới góc nhìn của một luật sư, ông Tiến chia sẻ, những năm gần đây, các vụ án giết người, cướp của với tính chất “man rợ, côn đồ”, liên tục xảy ra. Không lâu trước đây, dư luận đã xôn xao lo lắng với vụ giết người cướp của tại tiệm vàng Ngọc Bích do Lê Văn Luyện gây ra, hay như các vụ thảm án ở Nam Định, nữ sát thủ chém 3 bà cháu tử vong; Vụ giết 4 người ở Nghệ An...
Và hiện vụ án giết 6 người trong gần một giờ đồng hồ ở Bình Phước, có thể xem là một trong những vụ thảm sát “thương tâm” nhất hiện nay, khiến dân chúng hoang mang, lo sợ, người nhà nạn nhân đau đớn.
Theo những thông tin hiện có thì chỉ duy nhất bé gái 18 tháng tuổi con út vợ chồng nạn nhân may mắn thoát chết, còn lại cả 6 nạn nhân đều bị giết hết sức dã man bằng cùng một hung khí. cháu Dư Minh Vĩnh (14 tuổi, em ruột Tố Như) chạy ra ngoài được nhưng cũng bị đuổi theo sát hại tới cùng.
Với các tình tiết ban đầu, có thể thấy người phạm tội rất chuyên nghiệp, họ đã có kế hoạch rất kỹ lưỡng về phương tiện và thời điểm gây án từ trước để thực hiện hành vi nhanh chóng, gọn gẽ. Trong vụ án này, không loại bỏ giả thuyết có đồng phạm bởi sự việc diễn ra trong thời gian ngắn, người phạm tội đã có thể khống chế các nạn nhân và sát hại họ.
Vụ việc trên là một vụ thảm án kinh hoàng, bất ngờ. Có lẽ rằng, thảm kịch đau lòng này khiến cho bất cứ ai - không chỉ là người thân của người bị hại mà cả người dân nếu chứng kiến cũng bị ám ảnh và để lại trong lòng người thân của họ nỗi đau dai dẳng.
|
Hiện trường vụ thảm sát ở Bình Phước |
Về nhận định tội danh ban đầu trong vụ án này, luật sư Tiến cho rằng các hành vi này có thể cấu thành tội Giết người Điều 93, tội Cướp tài sản Điều 138 BLHS. Các hành vi dẫn đến hậu quả 6 người chết, trong đó có 2 người là trẻ em (em Dương Minh Vĩ (14 tuổi), Lê Quốc Anh (15 tuổi) đã cấu thành tội giết người theo khoản 1 Điều 93 BLHS với khung hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình với các tình tiết tăng nặng theo điểm a “giết nhiều người”, điểm c “giết trẻ em”, điểm n “có tính chất côn đồ”…
Ngoài ra người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung theo khoản 3 Điều 93 BLHS hình phạt có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một đến năm năm tùy vào hành vi thực tế và kết quả điều tra của cơ quan công an.
Từ các chứng cứ tại hiện trường vụ án khi tài sản của nạn nhân có dấu hiệu bị lục lọi, cùng với thông tin ông Mỹ - tên nạn nhân, chuẩn bị trả lương cho công nhân trong Công ty, có thể ông đã rút một số tiền lớn để ở nhà. Thì căn cứ vào giá trị tài sản thực tế, cũng như những hành vi cụ thể, các hành vi này có thể cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 138 BLHS với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, hoặc tù chung thân. Ngoài ra, còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ năm triệu đến năm mươi triệu đồng.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt cho người có hành vi trên, thì Tòa án còn cần phải căn cứ vào độ tuổi thực tế của họ khi thực hiện hành vi phạm tội. Theo quy định về Tuổi chịu trách nhiệm hình sự Điều 12 BLHS: “1 - Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. 2 - Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”
Như vậy, người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu mọi trách nhiệm hình sự về hành vi do họ gây ra, trường hợp người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vậy, họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của họ cấu thành tội phạm theo Điều 93 BLHS, khoản 3 và khoản 4 Điều 138 BLHS. Nếu hành vi chỉ cấu thành tội theo khoản 1, 2 Điều 138 BLHS thì người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.
Trường hợp người này thực hiện hành vi khi đang ở độ tuổi dưới 14 tuổi thì họ không phải chịu bất cứ trách nhiệm hình sự nào về hành vi của họ. Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì con người ở độ tuổi này chưa có sự phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, cũng như khả năng quyết định hành vi của mình, vì vậy ngưởi ở độ tuổi này được coi là chưa có năng lực trách nhiệm hình sự, họ không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào. Tuy nhiên, người này có thể phải chịu các biện pháp vào trường giáo dưỡng, để có khả năng phát triển bình thường, cũng như có suy nghĩ đúng đắn.
Hồng Liên