Ngày 18/6, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết vừa họp tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh thành lập để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thẩm định 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng để có kết quả báo cáo UBND tỉnh.
“Do phải chờ kết quả kiểm định mẫu thép từ TP.HCM và văn bản trả lời chính thức của Tập đoàn Mitsubishi về các máy thủy mang nhãn hiệu của hãng này nên dự kiến đến ngày 25/6 mới có thể công bố kết quả. Khi đó, căn cứ kết quả thẩm định, trách nhiệm của bên nào thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Hổ nói.
Bên này đổ qua, bên kia đổ lại
Cùng ngày, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết mới đây bà Nguyễn Thị Sinh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (quận 2, TP.HCM), đến gặp ông Công, xin cho công ty này sửa chữa các máy tàu vỏ thép bị hư hỏng.
|
Các thành viên tổ thẩm định độc lập kiểm tra một tàu vỏ thép hỏng của ngư dân Bình Định. Ảnh: T.LỘC |
Công ty Hoàng Gia Phát chính là doanh nghiệp bán máy cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định. Trước đó, ngày 8-6, các chuyên gia Nhật Bản của hãng Mitsubishi đến Bình Định kiểm tra, xác định có đến chín tàu vỏ thép sử dụng máy hiệu Mitsubishi do Công ty Hoàng Gia Phát cung cấp không phải máy chính hãng, là máy bộ cải hoán, lắp thành máy thủy; một số máy vỏ ghi nhãn mác Mitsubishi, còn ruột không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngày hôm sau, ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát, có văn bản cam kết chịu trách nhiệm thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi cho các tàu cá đã lắp đặt.
Ông Nguyễn Chí Công cho biết: “Bà Sinh nói với tôi rằng nếu thay toàn bộ chín máy thủy chính hãng Mitsubishi thì Công ty Hoàng Gia Phát không đủ khả năng tài chính vì đang bị ngân hàng phong tỏa. Bà ấy xin cho công ty được sửa chữa, cải hoán máy bộ đã lắp trước đây để ngư dân có tàu đi biển. Tôi trả lời dứt khoát không bao giờ chính quyền chấp nhận cho sửa chữa. Trong hợp đồng đóng tàu với ngư dân, Công ty Nam Triệu phải lắp máy thủy mới chính hãng Mitsubishi nhưng đã lắp máy bộ cải tạo, gây hư hỏng liên tục thì buộc phải thay máy mới. Đó là chưa kể còn phải xử lý theo quy định pháp luật. Tôi đề nghị bà Sinh làm việc với Nam Triệu”.
Cũng theo phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, để thuyết phục, bà Sinh đưa ra hợp đồng đã ký giữa hai công ty Hoàng Gia Phát, Nam Triệu. Căn cứ hợp đồng này, bà Sinh cho rằng công ty bà đã cung cấp đúng model máy theo yêu cầu của Nam Triệu và đó là loại máy bộ chứ không phải máy thủy. “Tôi xem hợp đồng, thấy trong đó có nội dung Hoàng Gia Phát cung cấp cho Nam Triệu loại máy Mitsubishi có model S6R-MPTA, có mở ngoặc ghi thêm là “máy thủy”. Nhưng theo tôi biết, mã hiệu này chính xác là động cơ bộ nhưng trong hợp đồng lại ghi là máy thủy. Nếu động cơ thủy phải là model S6R-MPTK. Bà Sinh nói Nam Triệu đặt hàng loại máy có model ấy và Hoàng Gia Phát đã cung cấp đúng theo hợp đồng” - ông Công nói.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định cùng các cơ quan chức năng, giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát cho biết ký hợp đồng với Công ty Nam Triệu cung cấp hai loại động cơ máy chính cho tàu thủy hiệu Mitsubishi, gồm model S6R2-MPTA, công suất 940 HP và model S6R-MPTA công suất 811 HP với tổng cộng 10 máy.
Trả lời báo chí, bà Sinh cũng khẳng định Hoàng Gia Phát cung cấp máy đúng theo hợp đồng và khi giao hàng được đơn vị tư vấn, cơ quan đăng kiểm xác nhận. Bà Sinh cho rằng Hoàng Gia Phát cũng là nạn nhân trong vụ này.
Công ty đóng tàu phải chịu trách nhiệm
Trong khi đó, trả lời Pháp Luật TP.HCM ngày 12-6, Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Nam Triệu, nói: “Hoàng Gia Phát bán máy không đúng nhưng chúng tôi không biết. Đến khi trục trặc, các chuyên gia Mitsubishi xác định không phải máy thủy mà là máy bộ nên mới hay”.
|
Một máy tàu trị giá 2,7 tỉ đồng hư, bị tháo banh ra để kiểm tra. Ảnh: HOA KHÁ |
Ông Oanh cũng cho hay: “Khi biết là máy bộ, không chính hãng, chúng tôi yêu cầu giám đốc Hoàng Gia Phát ở lại Bình Định, yêu cầu công ty ông ấy mang con dấu đến Bình Định đóng dấu ngay tại chỗ, gửi Bộ Công an, UBND tỉnh cùng tất cả cơ quan chức năng liên quan. Một là thừa nhận sai sót, hai là xin thay toàn bộ máy mới cho ngư dân”. Trong nhiều ngày qua, PV nhiều lần liên lạc lại tổng và phó tổng giám đốc Công ty Nam Triệu nhưng đều bất thành.
Theo ông Nguyễn Chí Công, ngư dân ký hợp đồng trọn gói với Nam Triệu thì công ty này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. “Tôi đâu có biết Nam Triệu ký hợp đồng với ai, miễn là phải làm đúng hợp đồng. Vấn đề bây giờ là phải kiên quyết làm rõ mọi chuyện. Sau khi có kết quả thẩm định, ai sai thì phải chịu trách nhiệm, phải bị xử lý theo quy định pháp luật. Máy hỏng thì buộc thay máy mới, dùng thép Trung Quốc không đúng hợp đồng cũng phải thay đúng chủng loại, không nói qua nói lại gì hết!” - ông Công quả quyết.
Cùng quan điểm trên, ông Phan Trọng Hổ nhấn mạnh: “Hoàng Gia Phát không có tư cách làm việc với ngư dân. Sở NN&PTNT không làm việc với công ty này. Tỉnh và ngư dân chỉ làm việc, buộc Nam Triệu chịu trách nhiệm với số tàu vỏ thép do công ty này đóng bị hư hỏng. Hiện nay chúng tôi đang chờ căn cứ kết quả thẩm định để xác định trách nhiệm của các bên liên quan”.
Thêm nhiều thiết bị có vấn đề
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết không chỉ máy tàu bị hỏng mà qua kiểm tra, tổ thẩm định độc lập còn phát hiện nhiều thiết bị khai thác, hàng hải cũng có vấn đề như máy phát điện, máy dò, hầm bảo quản… Ông Hổ cho biết thêm Sở NN&PTNT đã yêu cầu Nam Triệu cung cấp hồ sơ gốc đóng tàu với ngư dân để tổ thẩm định kiểm tra nhưng đến nay công ty này chưa cung cấp.
Làm sai lại đổ lỗi ngư dân
Công ty TNHH Ô tô Đông Hải (Hà Nội), doanh nghiệp bán máy Doosan (Hàn Quốc) cho Công ty Nam Triệu đóng tàu vỏ thép cho ngư dân Bình Định, vừa có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT tỉnh này xung quanh máy tàu vỏ thép của ông Trần Đình Sơn (ngụ xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) bị hỏng. Theo đó, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải, cho rằng máy tàu của ông Sơn hỏng là do lỗi vận hành của chủ tàu. Ông Hải nói rằng chính sách bảo hành toàn cầu của hãng Doosan chỉ thay thế phụ tùng chứ không thay máy mới.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định: “Trong việc máy tàu của ông Sơn bị hỏng lỗi không phải của ông Sơn. Sau khi máy bị trục trặc, Công ty TNHH Ô tô Đông Hải đã tự đưa thiết bị vào thay thế là ba bộ piston, xy lanh, buồng nổ. Tuy nhiên, những thiết bị này không đồng bộ với các linh kiện khác, làm máy bị gãy trục chính”.
Theo Tấn Lộc/PLO