Việt Nam sẵn sàng các biện pháp bảo vệ ngư dân

Google News

Việt Nam tuyên bố bảo lưu các biện pháp bảo vệ ngư dân sau khi Trung Quốc tuyên bố phạt tù những ngư dân Việt Nam.

Việt Nam tuyên bố bảo lưu các biện pháp bảo vệ ngư dân sau khi Trung Quốc tuyên bố phạt tù những ngư dân Việt Nam.
Trong tuần này, Tòa án tối cao Trung Quốc tuyên bố sẽ phạt tới 1 năm tù những người nước ngoài bị bắt về tội đánh bắt trái phép trong vùng biển của Trung Quốc. Ngày 4/8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước bước đi này của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đang tìm hiểu thông tin chính thức và cụ thể.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu cá Philippines trên biển Đông. 
“Chúng tôi cho rằng, việc đối xử với ngư dân hoạt động trên biển Đông trước hết phải dựa trên luật pháp quốc tế, các thỏa thuận đã đạt được giữa các nước trong khu vực cũng như tinh thần nhân đạo với các ngư dân. Chúng tôi cũng bảo lưu các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngư dân Việt Nam, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế”, ông Bình nói.
Phản ứng việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi các lực lượng vũ trang và người dân nước này chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên biển, phía Việt Nam cho rằng, quan chức của các nước cần phát biểu và hành động phù hợp với nghĩa vụ và tuyên bố chính thức. Ông Bình nói rằng, hòa bình và ổn định trên biển Đông là nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực.
Các tranh chấp ở biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. “Tôi cho rằng, quan chức của các nước cần phát biểu và hành động phù hợp với những tuyên bố chính thức và nghĩa vụ của quốc gia mình, là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình ở khu vực cũng như trên thế giới”, ông Bình nói.
Trung Quốc mở website tuyên truyền về biển Đông
Hôm 3/8, Trung Quốc mở một trang web về biển Đông, trên đó đăng tải các bài báo, bài nghiên cứu, bản đồ, luật, quy định… nhằm tuyên truyền cho cái họ gọi là “sự thật” về biển Đông, hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa.
Vài ngày trước, Trung Quốc thông báo hoàn thành một nghĩa trang và đài tưởng niệm trên đảo Quang Hòa thuộc Hoàng Sa để ghi lại sự kiện đánh chiếm quần đảo này từ Việt Nam năm 1974. Trong nghĩa trang phi pháp này có 6 bia khắc tên 6 tàu chiến và 18 bia khắc tên lính Trung Quốc chết trong khi xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc xây dựng nghĩa trang và mở trang web, ông Bình khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa dù vì mục đích gì cũng là phi pháp và không làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Trước dư luận lo ngại vấn đề Trung Quốc mở Lãnh sự quán tại thành phố Đà Nẵng, ông Bình cho biết, việc này là nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa các địa phương của Trung Quốc với Đà Nẵng nói riêng và các địa phương ở miền Trung Việt Nam nói chung, đồng thời để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam xử lý các vấn đề liên quan đến lãnh sự.
Về câu hỏi Bộ Ngoại giao tham gia như thế nào để điều tra, làm rõ vụ việc các hacker được cho là từ Trung Quốc gần đây tấn công mạng làm ảnh hưởng đến hoạt động của hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất và để lại thông điệp liên quan Trường Sa và Hoàng Sa, ông Bình khẳng định, chủ trương của các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có Bộ Ngoại giao, là mong muốn phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế để đấu tranh, phòng và xử lý các vụ tấn công của tin tặc, bao gồm vụ việc vừa qua.
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết khi nào Việt Nam có phản ứng chính thức về phán quyết của Tòa Trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn trong đó bác bỏ các đòi hỏi quyền lịch sử của Trung Quốc trên biển Đông, ông Bình cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng các nội dung trong phán quyết.
Việt - Mỹ trao đổi về tình hình chính trị, an ninh khu vực

Tại cuộc Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng Việt - Mỹ lần thứ 8 diễn ra ngày 3/8 tại Washington D.C., Việt Nam và Mỹ chia sẻ đánh giá về tình hình chính trị, an ninh khu vực, các biện pháp hoà bình, tiến trình ngoại giao và pháp lý để giải quyết tranh chấp. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc dẫn đầu. Đoàn Mỹ do bà Tina Kaidanow, quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chính trị - quân sự, làm trưởng đoàn.

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, hai bên chia sẻ đánh giá về tình hình chính trị, an ninh tại khu vực, trong đó có các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như khủng bố, buôn bán người, an ninh mạng, buôn bán ma tuý và động vật hoang dã xuyên quốc gia; thảo luận việc phối hợp giữa hai bên tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, cũng như việc hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.

Hai bên cũng trao đổi về các biện pháp hoà bình, tiến trình ngoại giao và pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, để duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và giải quyết các tranh chấp ở biển Đông, trong đó có vụ kiện trước Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước.

Theo Tiền phong