Việt Nam bác bỏ cái gọi là thành phố Tam Sa

Google News

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bác bỏ cái gọi là "thành phố Tam Sa" mà TQ dựng lên.

Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 15/10, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiết lộ nước này đang xây các trạm phát sóng không dây ở Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tái khẳng định Việt Nam bác bỏ cái gọi là thành phố Tam Sa của Trung Quốc và mọi hành động của cái gọi là thành phố Tam Sa đều không có giá trị pháp lý cũng như không thể thay đổi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình.  
Ngoài ra, người phát ngôn Lê Hải Bình cũng lên tiếng bác bỏ tuyên bố tăng cường tuần tra ở đảo Ba Bình mà Đài Loan chiếm giữ trái phép.
"Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, mọi việc làm của các bên khác tại quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều không có giá trị pháp lý", ông Lê Hải Bình khẳng định.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh hành động của các bên trên Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Tuyên bố của ông Lê Hải Bình được đưa ra không lâu sau khi ông Vương Sùng Nghi, Cục trưởng Cục Bảo vệ Bờ biển Đài Loan cho biết Đài Bắc cần tăng cường sự hiện diện và sẽ duy trì việc xây dựng trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Phía Đài Loan cũng đưa gần 200 người tới sống trên đảo từ năm 2000.
Trả lời câu hỏi về việc Mỹ muốn đưa tàu tuần tra tiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc bồi lấp phi pháp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, Biển Đông có vai trò quan trọng với khu vực Đông Nam Á và thế giới.
"Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này. Những đóng góp đó phải dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như nhằm tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)", ông Lê Hải Bình nói.

Theo Zing