Liên quan vụ việc, hàng chục người dân thị trấn Phú Thứ (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) chặn cổng, ngăn chặn mọi hoạt động ra vào của Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam và gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ có hay không việc Công ty KT-CB-XNK Khoáng sản Việt Nam gây ô nhiễm môi trường? Mới đây, trong một lần trao đổi với PV Kiến Thức, Thiếu tá Quách Văn Trượng - Phó Trưởng Công an huyện Kinh Môn nhìn nhận: “Nếu như bà con tự ý tổ chức dựng lều bạt trước cổng công ty, trụ sở hoặc tập trung đông người đều là cái sai. Mình có đấu tranh, đòi hỏi gì đó thì phải có kiến nghị và làm các bước theo trình tự thủ tục chứ không thể tự ra đó dựng lều bạt, ngăn cản công ty hoạt động. Dù chưa biết, công ty họ sai ở cái gì. Mà công ty họ vi phạm, sai ở đâu thì đã có cơ quan chức năng họ sẽ giải quyết, xử lý và trả lời vấn đề đó”.
Trao đổi với PV Kiến Thức, người dân thị trấn Phú Thứ lý giải việc chặn cổng Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam là việc “cực chẳng đã” để các cơ quan chức năng làm rõ nghi vấn của người dân về việc công ty có hay không dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường? Bởi trước đây, chính công ty này đã từng gây ô nhiễm môi trường bị xử phạt và phải tạm ngừng hoạt động.
|
Người dân lấp đất đá chặn cổng doanh nghiệp. |
Từng gây ô nhiễm môi trường, bị xử phạt, phải tạm ngưng hoạt động
Để làm rõ vấn đề người dân phản ánh về việc Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam từng gây ô nhiễm môi trường và bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền, buộc tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài, PV Kiến Thức đã lật giở lại hồ sơ của Công ty này và phản ánh của người dân là có cơ sở.
Theo các tài liệu thu thập được, năm 2010, UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư số 04121000479 cho Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam, sau đó điều chỉnh lần thứ nhất ngày 30/8/2011. Công ty này sau đó được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê đất theo quyết định 3046/QĐ-UBND ngày 1/11/2011, Sở TNMT bàn giao đất ngày 22/11/2011. Đến ngày 5/2/103, UBND tỉnh Hải Dương cấp GCNQSD đất số BG 955498. Ngày 7/5/2013, UBND huyện Kinh Môn cấp giấy phép xây dựng số 10/GPXD-UBND cho công ty trên. Công ty đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án nhà máy xử lý chất thải ngành luyện kim, được Bộ TNMT phê duyệt tại quyết định 2085/QĐ-BTNMT ngày 11/11/2011. Tổng cục Môi trường chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải tại Công văn 1116/TCMT-QLCL&CTMT ngày 9/7/2013.
|
Người dân thay nhau "canh gác" cổng công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam. |
Tuy nhiên, khi công ty này vừa hoạt động thử được một thời gian ngắn đã bị người dân phản đối nên UBND thị trấn Phú Thứ, Phòng TNMT huyện Kinh Môn và Sở TNMT tỉnh Hải Dương đã lập biên bản ngày 14/8/2013 và 20/8/2013 yêu cầu công ty tạm dừng sản xuất thử. Ngày 5/9/2013, Tổng cục Môi trường có công văn yêu cầu công ty tạm dừng vận hành thử nghiệm hoạt động xử lý chất thải ngành luyện kim.
Khi đó, dù mới vận hành thử nghiệm hoạt động xử lý chất thải ngành luyện kim, công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam đã có những hành vi vi phạm về môi trường như tập kết hàng nghìn tấn bụi lò luyện kim trên nền đất tại Công ty và Cảng Phú Thái không đúng quy định. Cụ thể, kết quả kiểm tra ngày 19/9/2013 của Tổng cục Môi trường và của tổ công tác liên ngành theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ngày 25/9/2013 xác định Công ty lưu giữ khoảng 3500 tấn bụi lò luyện kim trên nền đất ngoài trời trong khuôn viên công ty và khoảng 1300 tấn bụi lò luyện kim trên nền đất ngoài trời tại Cảng Phú Thái, chỉ che chắn tạm thời bằng phủ bạt. Hành vi này đã bị Cục CS phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) xử phạt 100 triệu đồng theo quyết định tại số 110/QĐ – XPHC ngày 17/9/2013. Việc tập kết bụi lò luyện kim trên nền đất ngoài trời được các cơ quan chức năng khi đó đánh giá là tiềm ẩn nguy cơ bụi bị phát tán, rửa trôi, thẩm thấu vào nền đất, lòng sông gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
|
Họ mang cả xoong nồi, bát đũa để ăn uống ngay tại lều lán. |
Trong công văn trả lời kiến nghị của người dân số 63/UNMT -Ttr của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hải Dương do PGĐ Sở Tạ Hồng Minh ký ngày 24/1/2014 cũng khẳng định: “Việc nước thải sinh hoạt, nước tràn bề mặt trong khuôn viên công ty thẩm thấu ra ngoài tường bao, xả vào mương tưới tiêu khu vực là có thật”. Sau đó, công ty này cũng đã phải hỗ trợ thiệt hại hoa màu và cá của người dân.
Sau đó, Nhà máy thuộc Công ty TNHH Khai thác, chế biến, XNK khoáng sản Việt Nam đã bị cơ quan chức năng xử phạt số tiền 270 triệu đồng do vi phạm nghiêm trọng một số quy định về bảo vệ môi trường như: Thải khí, bụi vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất thải nhiều lần; không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật bắt buộc về bảo quản, quản lý chất thải nguy hại.
Sau sự cố năm 2013, nhà máy thuộc Công ty TNHH khai thác, chế biến, XNK khoáng sản Việt Nam đã được Tổng cục Môi trường cho phép tiếp tục vận hành thử nghiệm trở lại theo nội dung văn bản số 1487 ngày 04/8/2014. Ngày 13/8/2016, nhà máy thuộc Công ty TNHH Khai thác, chế biến, XNK khoáng sản Việt Nam đã đi vào hoạt động trở lại. Ngay lập tức, ngày 15/8, đại diện người dân khu 5,6,7 đã có đơn kiến nghị gửi UBND thị trấn Phú Thứ phản ánh việc không khí bị ô nhiễm do khí thải của nhà máy.
Vì sao người dân Phú Thứ kiên quyết chặn cổng doanh nghiệp?
Những vi phạm của Công ty TNHH khai thác, chế biến, XNK khoáng sản Việt Nam ngay từ những ngày vận hành hoạt động thử nghiệm đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Đến nay, khi công ty này quay trở lại hoạt động, dù công ty có đủ hồ sơ pháp lý, báo cáo tác động môi trường và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động trở lại nhưng người dân vẫn dựng lều chặn cổng không cho công ty hoạt động bởi theo phản ánh của người dân “khí thải của nhà máy vẫn giống hệt năm 2013, khiến người dân có cảm giác nhức đầu, tức ngực”. Người dân cũng biết việc khẳng định công ty có gây ô nhiễm môi trường là phải dựa trên cơ sở khoa học bằng kết quả quan trắc môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian đợi Bộ TNMT tiến hành thanh tra, kiểm tra ngay trong tháng 9 đối với Công ty TNHH khai thác chế biến xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam theo đề xuất của UBND tỉnh Hải Dương có công văn 2270, người dân vẫn quyết tâm chặn công ty để mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ những kiến nghị.
|
Công ty đã phải khóa trái cửa vì không thể ra vào khi bị người dân ngăn cản. |
Ngày 3/10, khi PV Kiến Thức có mặt tại khu vực Cổng công ty TNHH khai thác, chế biến, XNK khoáng sản Việt Nam, cũng tròn 30 ngày người dân chặn cổng, dựng lều tại đây để ngăn công ty hoạt động. Tại lều tạm, gần chục phụ nữ ngồi dõi ánh mắt về phía cổng công ty với vẻ lo lắng, mệt mỏi. Bên cạnh lều bạt dựng tạm, người dân mang cả xoong nồi, bát đũa để ăn uống ngay tại chỗ. Chăn màn, chiếc quạt cũng được trang bị phục vụ những người dân được “cắt cử” canh gác công ty này.
Bà Nguyễn Thị Thúy, người dân khu 7, thị trấn Phú Thứ (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) cho biết, đây không phải lần đầu tiên người dân dựng lều phản đối công ty. Năm 2013, khi công ty hoạt động gây ô nhiễm môi trường, người dân cũng đã phải từng “lập chiến lũy” để ngăn cản.
|
Bên trong nhà máy của Công ty TNHH khai thác, chế biến, xuất nhập khẩu khoáng sản Việt Nam tại khu 7, thị trấn Phú Thứ. |
“Khi công ty này đi vào hoạt động thử nghiệm năm 2013 được một thời gian, người dân Phú Thứ từ người già, trẻ em, đến những thanh niên khỏe mạnh đều cảm thấy ngột ngạt, tức ngực khó thở, mùi khét nồng nặc. Bản thân tôi từ đó đến nay, họng vẫn bị đau liên tục. Không chỉ có vậy, cây cối xung quanh nhà máy bị ảnh hưởng, đất ruộng bỏ hoang không canh tác được cho đến tận bây giờ. Khi đó, không thể chịu đựng nổi, người dân đã bảo nhau vào trong nhà máy kêu cứu sau đó nhận ra “mình phải tự cứu mình” nên bà con đã hò nhau dựng lều bạt trước cổng công ty. Đồng thời gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền địa phương. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, công ty tạm dừng hoạt động chúng tôi mới tháo dỡ lều bạt. Từ đó đến nay, ngày 13/8/2016, Công ty hoạt động đốt trở lại và đêm 14/8/2016, người dân khu vực thấy có mùi khét khó thở nên chúng tôi lại mang lều bạt ra dựng trước cổng công ty cho đến hôm nay”, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết.
Trong đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí của người dân thị trấn Phú Thứ có chữ ký của gần 100 người dân nêu rõ: “Chúng tôi bức xúc từ năm 2013 khi công ty này gây ô nhiễm môi trường, gây tức ngực, khó thở và bệnh tật cho người dân và đã bị xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ngày 13/8/2016, Công ty này lại tiếp tục hoạt động trở lại. Đến ngày 14/8/2016, khói nhà máy xả ra bao trùm khu vực xung quanh với mùi khét rất khó chịu. Người dân hoảng loạn gửi đơn đến các cơ quan chức năng. Trong thời gian các cơ quan quản lý nhà nước chưa có văn bản trả lời cụ thể thì chúng tôi vẫn kiên quyết ngăn chặn bởi người dân chúng tôi có cảm tưởng như mình đang trong hoàn cảnh “một là sống, hai là chết””.
Thiếu tá Quách Văn Trượng - Phó Trưởng Công an huyện Kinh Môn đánh giá: “Để xác định đúng hay sai phải căn cứ vào các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Tài nguyên Môi trường trên cơ sở kết quả quan trắc môi trường. Cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu nhưng đến nay chưa có kết quả. Huyện ủy, UBND cũng đang chờ kết quả đó của Bộ Tài nguyên Môi trường để xác định doanh nghiệp đúng hay không đúng và các trình tự thủ tục được cấp phép đã đủ điều kiện để hoạt động của nhà máy hay chưa? Sau đó mới có kết luận nhà máy đúng hay sai rồi mới ban hành quyết định để xử lý”.
Mong rằng các cơ quan chức năng sớm đưa ra những kết luận để chấn an lòng dân cũng là để bảo vệ sự hoạt động hợp pháp của doanh nghiệp.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc trên trong các bài viết tiếp theo....
Hải Ninh