Xem video Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội:
Sáng 2/4, Đại tướng Trần Đại Quang đã chính thức được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với tỷ lệ 91,50% Đại biểu có mặt đồng ý.
|
Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ trước Quốc hội và nhân dân. Ảnh: Dân Việt.
|
Ngay sau khi các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước là phần Nghi lễ tuyên thệ của tân Chủ tịch nước.
Mở đầu phần nghi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mời đội nghi lễ vào vị trí. Tiếp đến, Chủ tịch Quốc hội mời Chủ tịch nước Trần Đại Quang lên tuyên thệ.
Đứng trước Quốc hội và cờ Tổ quốc, ông Trần Đại Quang bày tỏ sự cám ơn chân thành Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông giữ chức vụ Chủ tịch nước. Ông tuyên thệ: “Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào và cử tri cả nước, tôi Trần Đại Quang- Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. Với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước và Nhân dân giao phó".
Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ngay sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tặng người tiền nhiệm bó hoa tươi thắm.
Sau nghi lễ nhậm chức, trả lời phỏng vấn TTXVN, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, ông sẽ nỗ lực, đem hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Đảng phân công, tập trung một số công việc trọng tâm sau:
- Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, đáp ứng đòi hỏi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Nghiên cứu, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội cụ thể hóa nhiệm vụ Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân và cơ chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
- Phối hợp chỉ đạo thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phục vụ mục tiêu bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
- Chú trọng cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc chăm lo cho các tầng lớp nhân dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thanh Bình (tổng hợp)