Chuyến thăm, làm việc tại châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn Việt Nam được các báo lớn ở châu Âu quan tâm đưa tin, bình luận.
Phóng viên báo Deutsche Welle ngày 16/10/2014 đã có bài phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó đặt câu hỏi về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Italy Matteo Renzi. Ảnh: Đức Tám/TTXVN. |
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ Việt Nam là quốc gia thành viên Liên hợp quốc; Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia vì hòa bình và phát triển bền vững.
Vì vậy, Việt Nam không ngừng nỗ lực xây dựng quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, đặc biệt là với các nước ASEAN và các đối tác chiến lược, toàn diện và truyền thống. Chỉ có như vậy các bên mới có được sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi và phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh chính sách nhất quán của Việt Nam là không liên minh với nước này để chống phá nước khác. Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, đồng thời luôn chân thành bày tỏ thiện chí cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược, bền vững, lâu dài trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Điều đó có nghĩa các bên phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Việt Nam không chấp nhận hành động can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Ngoài ra, Việt Nam luôn muốn thúc đẩy hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp tích cực cho hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á-Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không can thiệp vào nội bộ và nhất là không xâm phạm độc lập, chủ quyền của các quốc gia khác.
Chỉ như vậy, các chính sách đó mới đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh cũng như hợp tác khu vực và quốc tế.
Về quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng và mãi mãi là hai nước láng giềng.
Việt Nam luôn mong muốn hai nước cùng nhau làm hết sức mình để gìn giữ quan hệ hoà bình, hữu nghị, xây dựng lòng tin, đưa quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đem lại lợi ích chính đáng cho hai nước và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực.
Mọi tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Không để tái diễn tình hình căng thẳng, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực.
Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc đã cùng nhau nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề.
Trả lời câu hỏi về vai trò của Cộng hòa Liên bang Đức và Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Đây là nơi có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, chiếm khoảng 50% hàng hóa vận chuyển đường biển toàn cầu mà phần lớn là lưu chuyển hàng hóa giữa châu Âu và Đông Á. Vì vậy, nếu để xảy ra bất ổn, căng thẳng sẽ tác động tiêu cực không chỉ đối với các nước trong khu vực mà đối với toàn bộ thế giới.
Đó là lý do để EU cũng như Đức và các nước khác trên thế giới cần hợp tác nhằm đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông, không chỉ vì lợi ích của các nước trong khu vực mà còn của cả thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực hơn nữa cho hoà bình và ổn định trong khu vực.
Cũng tại Đức, tờ Asean Today số ra ngày 15/10 có bài viết quan tâm tới bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Körbe “Việt Nam: Quan điểm về Tự do và Dân chủ”. Theo tờ báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập và làm rõ thêm về mục tiêu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh đến những thành tựu kinh tế từ khi thực hiện đường lối Đổi mới như Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 7% từ năm 1986-2010; 5,6% từ năm 2011-2013 và trong năm 2014 dự kiến đạt tăng trưởng 6% với thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD, tương đương 167 USD/tháng.
Song song với phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam tiếp tục xây dựng thể chế Nhà nước pháp quyền, dân chủ, xác lập cơ chế thị trường đầy đủ cũng như tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh với mục tiêu sẽ đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 6-7% trong giai đoạn từ 2016-2020.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và đã ký 8 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Ngoài ra, Việt Nam cũng đã và đang tham gia tích cực vào tiến trình thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Hiện Việt Nam đang đàm phán 6 FTA và đang ở giai đoạn cuối cùng trong việc hoàn tất ký Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định FTA Việt Nam-EU.
Trong bài phát biểu tại Viện Körbe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề cập đến mối quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và nhắc tới việc mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề nhân quyền, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Quyền con người, tự do và dân chủ là nhu cầu tự nhiên của nhân loại. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng như thể chế kinh tế thị trường hướng đến đảm bảo quyền tự do cho mọi công dân trên tất cả các lĩnh vực. Tất cả các mục tiêu này đều quy định rõ trong Hiến pháp.”
Một phóng viên của tờ Le Monde (Pháp) ngày 16/10 có bài “Việt Nam: Tăng cường quan hệ ngoại giao với Liên minh châu Âu.”
Bài viết cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và các quan chức Bỉ tại trụ sở Liên minh châu Âu (EU). Điều này thể hiện tầm quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và EU.
Phóng viên của tờ Le Monde cho rằng Việt Nam đang cần mở rộng thị trường để phục vụ tăng trưởng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Hiện Việt Nam đang nỗ lực kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barraso đã khẳng định “ủng hộ việc ký kết hiệp định này.”
Về vấn đề Biển Đông, khi đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại trụ sở EU, ông Barraso khẳng định: “EU sẽ ủng hộ tất cả các sáng kiến nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)."
Về quan hệ với Đức, một trong những quốc gia đầu tàu của EU, phóng viên tờ Le Monde nhận định Việt Nam và Đức duy trì quan hệ rất tốt cả về chính trị và kinh tế. Mối quan hệ này chặt chẽ và cụ thể, khác với mối quan hệ Pháp-Việt Nam vốn gần gũi về mặt lịch sử và văn hóa.
Phóng viên này nhấn mạnh trong thời gian ở thăm Đức và hội đàm với Thủ thướng nước chủ nhà Angela Merkel, hai bên đã đề cập đến các vấn đề hợp tác kinh tế, văn hóa, tăng cường đầu tư vào Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trong đàm phán EVFTA và lập trường của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Tại Italy, trang Sudestasiatico.com ngày 16/10 có bài: “Italy và Việt Nam: Giữa triển vọng và những cơ hội bị bỏ lỡ.” Bài bào cho rằng Hội nghị ASEM-10 tại Milan là cơ hội để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại lập trường của Chính phủ Việt Nam đối với những vấn đề liên quan tranh chấp trên Biển Đông.
Đây cũng là điều được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc đến trong buổi hội đàm ngắn với Thủ tướng nước chủ nhà Matteo Renzi.
Bài báo viết cũng giống như lần trước, mục tiêu chiến lược giữa Việt Nam và Italy không thay đổi. Đó là nâng mức kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD trong năm 2015, so với 3,5 tỷ USD trong năm 2013. Theo nhật báo Sole24ore số tháng 11/2013, từ tháng 11/2013 đến nay, cán cân thương mại Italy-Việt Nam có phần suy giảm do sự sụt giảm trong xuất khẩu của Italy và bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, xuất khẩu của Italy sang Việt Nam giảm từ 584 triệu USD trong năm 2010 xuống còn 501 triệu vào cuối năm 2012. Trong khi đó, Italy nhập khẩu từ Việt Nam tăng từ 890 triệu USD năm 2010 lên 1,817 tỷ USD vào cuối năm 2012.
Trong năm 2013, xu hướng này vẫn không thay đổi khi Viện Ngoại thương quốc gia Italia công bố những báo cáo chỉ ra rằng trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu từ Italy sang Việt Nam tiếp tục giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước (từ mức xấp xỉ 341 triệu USD xuống hơn 335 triệu USD), trong khi nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh (từ 1,124 triệu USD lên mức 1,136 triệu USD).
Bài báo nhấn mạnh đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Italy và cũng không phải là lần đầu tiên hội đàm với một đại diện của chính phủ Italy về việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Hiện nay, Italy là đối tác đầu tư nước ngoài lớn thứ 29 tại Việt Nam.
Về phương diện ngoại giao, Italy đã mở Tổng lãnh sự quán mới tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm cung cấp hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy muốn tìm kiếm các đối tác làm ăn và cơ hội kinh doanh mới thông qua thỏa thuận thương mại tự do trong tương lai giữa Việt Nam và EU.
Lâu nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italy gặp nhiều khó khăn do tác động sai dẳng của khủng hoảng - tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, bài báo cũng bày tỏ lạc quan về tương lai phát triển của các doanh nghiệp Italy tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới và dẫn ra bằng chứng về sự phát triển của Piaggio, một tập đoàn lớn của Italy đang hoạt động rất tốt ở Việt Nam cũng như trong môi trường toàn cầu hóa.
Theo bài báo, Piaggio mở nhà máy đầu tiên tại Việt Nam năm 2007 và nhà máy thứ hai năm 2012 với tổng đầu tư 70 triệu USD. Các nhà máy này được đặt tại khu công nghiệp Vĩnh Phúc, cách Hà Nội 25km.
Khi các rào cản thuế quan nội khối của Cộng đồng kinh tế ASEAN được bãi bỏ, các sản phẩm của hai nhà máy này sẽ được bán sang các nước ASEAN khác như Brunei, Campuchia, Philippines, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore và Thái Lan.
Ngoài Piaggio, Italy còn có một số tên tuổi lớn khác đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam trong những năm gần đây như ENI. Tập đoàn này đã ký kết với đối tác Petro Vietnam hợp đồng thăm dò dầu khí. ENI coi Việt Nam là một mục tiêu chiến lược trong chính sách tái cơ cấu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Italy.
Theo VietNam+