Sáng 16/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (Hậu Giang) và dự và phát lệnh thông xe cầu Cổ Chiên (nối Bến Tre và Trà Vinh).
Dự và phát lệnh thông xe cầu Cổ Chiên, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công, các nhà thầu và cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường đã ngày đêm lao động miệt mài để công trình cầu Cổ Chiên hoàn thành vượt tiến độ 15 tháng so với kế hoạch, để đến hôm nay chính thức thông xe, đưa vào sử dụng, hiện thực hóa được ước mơ của đồng bào trong vùng là có được một cây cầu kết nối hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.
|
Lễ thông xe cầu Cổ Chiên. |
Cầu Cổ Chiên được đưa vào sử dụng cùng với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và những công trình khác trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng thời gian qua là điều kiện quan trọng để Bến Tre, Trà Vinh và các tỉnh trong vùng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Nhấn mạnh hạ tầng kinh tế-xã hội là một khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định và nêu rõ, trong điều kiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL đã và đang được tập trung mạnh vào đầu tư, xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các tỉnh trong vùng tiếp tục quan tâm rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch, chủ động, sáng tạo trong thu hút đầu tư, thực hiện các mục tiêu phát triển.
Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương trong thúc đẩy triển khai các dự án giao thông vận tải, nhất là các dự án trọng điểm, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, đối với vùng ĐBSCL đó là việc đẩy nhanh tiến độ dự án mở rộng nâng cấp QL 1A từ TP. Hồ Chí Minh đến Cà Mau; hoàn thành dự án đường cao tốc từ Trung Lương đến Cần Thơ; hoàn thành đầu tư, nâng cấp dự án giao thông nối liền đường Hồ Chí Minh từ Bình Phước đến Long An-Đồng Tháp-An Giang-Kiên Giang-Cà Mau; hoàn thành hai cầu lớn là Cao Lãnh và Vàm Cống; sớm hoàn thành một số tuyến đường biên giới Việt Nam-Campuchia.
Thủ tướng cũng đề nghị bên cạnh nguồn vốn đầu tư của Trung ương, các địa phương cũng hết sức quan tâm cân đối ngân sách, tìm ra các cách làm năng động, sáng tạo trong huy động các nguồn lực đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải.
Cầu Cổ Chiên nối hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh là 1 trong 4 cầu lớn trên QL 60 (gồm cầu Cổ Chiên, Rạch Miễu, Hàm Luông, Đại Ngãi) và là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa QL 60 với các tuyến quốc lộ thuộc hành lang duyên hải phía đông ĐBSCL (gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng).
Cũng trong sáng 16/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát lệnh khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 - một trong những dự án nhiệt điện có quy mô lớn, công nghệ hiện đại nhất được xây dựng ở nước ta đến thời điểm hiện nay.
|
Lễ khởi công xây dựng nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. |
Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 thuộc Trung tâm Điện lực Sông Hậu đặt tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, có tổng công suất 1.200 MW gồm 2 tổ máy (2x600MW) với
tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỷ đồng. Dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm Tổng thầu EPC.
Đây là một trong các dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII, đồng thời cũng là 1 trong 3 nhà máy nhiệt điện của Trung tâm Điện lực Sông Hậu với tổng công suất 5.200 MW.
Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành Dầu khí Việt Nam định hướng đến năm 2030. Việc triển khai thực hiện dự án sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương trong giai đoạn xây dựng và hàng trăm lao động trong giai đoạn vận hành.
Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2019, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đây là dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Hậu Giang, khu vực ĐBSCL và cả nước.
“Khi đi vào vận hành, với công suất 1.200 MW, cung cấp vào lưới điện quốc gia gần 8 tỷ kWh/năm, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ có đóng góp quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Nếu nhà máy không được đưa vào vận hành năm 2019 thì miền Nam sẽ thiếu điện, cho nên Chính phủ đã phê duyệt, coi đây là dự án quan trọng, cấp bách và đã cho cơ chế đặc biệt để đảm bảo thi công đến năm 2019 sẽ hoàn thành và đi vào vận hành”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.
Thủ tướng biểu dương nỗ lực của chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - 1 trong 3 tập đoàn kinh tế Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển điện năng cho đất nước, đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển điện năng.
Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tập trung đảm bảo thực hiện đúng tiến độ, chất lượng dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 cũng như các dự án điện khác mà Tập đoàn đang triển khai; yêu cầu Tổng thầu Lilama đề cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện các cam kết trong hợp đồng và các quy định pháp luật.
Đánh giá cao sự cố gắng của tỉnh Hậu Giang trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đảm bảo điều kiện cho dự án được khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Hậu Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ chủ đầu tư, nhà thầu triển khai dự án với quyết tâm đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ với chất lượng cao nhất, đặc biệt là không để xảy ra bất cứ vấn đề gì liên quan đến môi trường. Cùng với đó, Hậu Giang cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan chăm lo tốt hơn đời sống, việc làm cho các hộ gia đình đã nhường đất cho dự án.
Theo Hiệp Hoà/Báo Hải quan