Tình hình mưa lũ tại Quảng Ninh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều lực lượng gồm cả quân đội, công an đã được huy động hỗ trợ người dân.
Tại Hạ Long: Vào lúc 16h chiều nay (28/7), lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể chị Dương Thị Thắm (40 tuổi) và Cao Bá Ngọc (18 tuổi) nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng trong gia đình Bà Nguyễn Thị Thược (76 tuổi, tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long) lên con số 8. Trước đó, vào khoảng 4h sáng ngày 28/7, khi cả gia đình đang ngủ thì mưa lũ cuốn theo đất đá cuốn sập cả 3 ngôi nhà, làm thương vong toàn bộ gia đình.
Đến 8h sáng 28/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể chị Đỗ Thu Hiên (36 tuổi) và con gái Cao Thu Hoài (10 tuổi) bị vùi lấp do đất đá. Đến 14h20, tiếp tục phát hiện và tìm thấy thi thể anh Cao Bá Tiến (45 tuổi, con trai bà Thược) và Cao Thùy Trang (10 tuổi, cháu bà Thược). Nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ sập nhà là anh Cao Tiến Vĩ, 37 tuổi, con trai bà Thược nhưng bị chấn thương sọ não và được điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Hiện thi thể bà Thược và con trai anh Cao Tiến Vĩ vẫn đang nằm dưới đống đổ nát.
|
Các cơ quan chức năng kiểm tra lũ lụt tại Quảng Ninh. |
Theo quan sát của PV Kiến Thức, chiều ngày 28/7, trên địa bàn thành phố Hạ Long nhiều khu dân cư vẫn bị chia cắt và ngập lụt sâu (phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy…). Các lực lượng cứu hộ của Quân đội đang tiếp cận để cứu hộ, di chuyển và hỗ trợ nhu yếu phẩm. Hiện tại Hạ Long trời vẫn u ám, nhiều mây và tiếp tục có mưa vừa và mưa to.
Tại thành phố Cẩm Phả: Khu vực phương Quang Hanh, phường Mông Dương và Cửa Ông vẫn bị chia cắt, ngập lụt. TP Cẩm Phả đã huy động trên 1.700 lượt người tham gia cứu hộ và di chuyển trên 1.000 hộ dân đến nơi an toàn.
Các lực lượng vẫn đang tiếp tục tiếp cận khu Quảng Hanh để di chuyển các hộ còn bị ngập lụt và đã tiếp cận để cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân còn đang bị cô lập. Đường ống cấp nước sạch 800 cho TP Cẩm Phả và TP Hạ Long của Nhà máy nước Diễn Vọng bị dứt gẫy; khả năng khắc phục còn kéo dài do thời tiết vẫn còn bất ổn.
Tại huyện Vân Đồn: Khu vực hai thôn tại đảo Bản Sen bị cô lập, nhưng nước đang rút, nhân dân đã được cứu trợ đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết. Đã huy động trên 350 người hỗ trợ cứu giúp nhân dân vùng bị ngập lụt, di chuyển 45 hộ dân đến nơi an toàn. Hai nhà dân cấp 4 tại Xã Ngọc Vừng bị sập đổ không có thiệt hại về người do người dân đã di chuyển. Ngập úng khoảng 100 ha lúa non mới cấy, khả năng phục hồi kém. Lồng bè nuôi trồng thủy sản sản bị chết 880 lồng, ước thiệt hại 88 tỷ đồng. Tổng thiệt hại trên địa bàn huyện Vân Đồn ước khoảng 123 tỷ đồng.
Tại huyện Cô Tô: Sạt lở tại 6 tuyến đường với chiều dài 300m2 và hai tuyến kè bờ biển dài 25m (đã tạm khắc phục) gây ngập lụt 17ha lúa và hoa màu, 40 hộ dân bị ngập lụt, sập đổ 01 nhà cấp 4 (không có thiệt hại về người). Đã huy động 300 cán bộ chiến sỹ Quân đội, Biên phòng và thanh niên cứu giúp dân và khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn. Hiện vẫn còn 1.500 du khách du lịch ở lại đảo an toàn.
Các địa phương còn lại có lượng mưa nhỏ, nên không có thiệt hại. tình hình ổn định. UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn đang chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, rà soát thông kê thiệt hại và sẽ có báo cáo chính thức khi đợt mưa chấm dứt.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, ước tổng thiệt hại từ ngày 26/7/2015 đến chiều ngày 28/7 khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
Trước tình hình cực kỳ khẩn cấp của mưa lũ, Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo ngừng tất cả các cuộc họp để tập trung công tác cứu hộ, cứu nạn, xử lý khắc phục các sạt lở, di chuyển dân nơi bị ngập lụt đến nơi cao an toàn và cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân.
Tỉnh đã chỉ đạo huy động hàng ngàn chiến sỹ và phương tiện của quân đội, công an đóng trên địa bàn xuống các khu vực bị chia cắt, sập đổ nhà, ngập lụt để cứu dân bị nạn, tìm kiếm người còn mất tích; huy động hàng ngàn gói mì, bánh và nước uống đưa xuống các vùng bị chia cắt, bị ngập lụt để cứu đói cho dân.
Theo đề nghị của Tỉnh, Bộ Tư Lệnh Quân khu 3 đã cử Thiếu tướng Trần Đình Kha – Phó Tư lệnh trực tiếp đặt bộ chỉ huy tiền phương tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh để chỉ huy lực lượng chiến sỹ và phương tiện giúp Tỉnh tiếp cận, cứu hộ, vận chuyển nhu yếu phẩm và di chuyển dân ở các khu dân cư bị ngập lụt và bị chia cắt lên các vị trí cao an toàn. Toàn bộ các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh theo sự phân công đã tập trung tại hiện trường và tiếp cận các khu dân cư bị ngập lụt để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người còn mất tích, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình nạn nhân bị chết, bị thương. Chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, rà soát và kiên quyết di chuyển những hộ dân còn ở các vị trí nguy hiểm bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi cao an toàn.
Trên địa bàn thành phố Hạ Long nhiều khu dân cư vẫn bị chia cắt và ngập lụt sâu (phường Hà Phong, Cao Thắng, Hà Khánh, Việt Hưng, Bãi Cháy…). Các lực lượng cứu hộ của Quân đội đang tiếp cận để cứu hộ, di chuyển và hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Một số hình ảnh PV Kiến Thức ghi nhận tại một số địa phương tại Quảng Ninh tính đến chiều 28/7:
|
Mưa lớn, lũ dâng cao làm nhiều địa phương tại Quảng Ninh chìm trong biển nước. |
|
Việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. |
|
Mưa vẫn lớn tại Hạ Long. |
|
Nhiều nơi nước vẫn lênh láng. |
|
Lũ dâng cao làm nhiều nơi như biển nước. |
|
Lực lượng quân đội điều xe ứng cứu trong mưa lũ. |
|
Những chiếc xe này được sử dụng vì có khả năng đi dưới nước rất tốt. |
|
Xe vận tải của quân đội được huy động hỗ trợ người dân. |
|
Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 147 đã triển khai ba xe thiết giáp BTR-60PB tham gia giúp dân. |
|
Những gì đang xảy ra tại Quảng Ninh khiến nhiều người bàng hoàng. |
16 người chết, 7 người mất tích do mưa lũ
Tính đến 19h30 tối ngày 28/7, số nạn nhân chết do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã lên 16 người, 7 người khác vẫn còn mất tích.
Danh sách 16 nạn nhân tử vong gồm em Nguyễn Thị Lành (SN 2010, trú Tổ 11B Khu 3, phường Hồng Hà, TP Hạ Long), bà Chu Thị Lý (SN 1959, Tổ 33, Khu 3 phường Cao Thắng, TP Hạ Long), bà Hà Thị Phúc (SN 1957, Tổ 2, Khu 5, phường Hồng Hải, TP Hạ Long), anh Nguyễn Hữu Nam (SN 1985,trú tại Khu 6, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Nơi ĐKNKTT: Thanh Nguyên, Tam Nông, Phú Thọ), anh Trần Văn Quốc (SN 1985, Khu 6, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Nơi ĐKNKTT: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu, Nghệ An), ông Đàm Văn Giới (SN 1944, Tổ 29, Khu 3, phường Cao Thắng, TP Hạ Long), anh Cao Bá Tiến (SN 1972, Tổ 44, Khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long), chị Dương Thị Thắm (1976, Tổ 44, Khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long), em Cao Bá Ngọc ( 1997, Tổ 44, Khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long), cháu Cao Thu Trang (SN 2006, Tổ 44, Khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long), chị Đỗ Thu Hiên (SN 1979, Tổ 44, Khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long), cháu Cao Thu Hoài (SN 2005, Tổ 44, Khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long), Bà Nguyễn Thị Thược (SN 1940, Tổ 44, Khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long), chị Mai Thị Lan (SN 1988, Tổ 3, khu 9, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả), cháu Đỗ Ngọc Hà (SN 2008, Tổ 3, khu 9, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả), cháu Đỗ Thùy Chi (SN 2011, Tổ 3, khu 9, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả).
Danh sách 7 nạn nhân mất tích gồm em Cao Xuân Việt (SN 2001, Tổ 44, Khu 4, Cao Thắng, TP Hạ Long, anh Đặng Văn Toanh (SN 1977, Vùng Biển cách Minh Châu, Quan Lạn, Vân Đồn 10 Km, Nơi ĐKNKTT: Hưng Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa), ông Đặng Văn Oanh (SN 1952, Vùng Biển cách Minh Châu, Quan Lạn, Vân Đồn 10 Km, nơi ĐKNKTT: Hưng Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa), ông Phan Văn Đậu(SN 1957, Vùng Biển cách Minh Châu, Quan Lạn, Vân Đồn 10 Km, nơi ĐKNKTT: Hưng Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa), em Triệu Văn Đức (SN 1998, vùng Biển cách Minh Châu, Quan Lạn, Vân Đồn 10 Km, nơi ĐKNKTT: Hưng Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa), anh Nguyễn Văn Tuấn (SN 1986, vùng Biển cách Minh Châu, Quan Lạn, Vân Đồn 10 Km, nơi ĐKNKTT: Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) và ông Lê Văn Thường (SN 1956, vùng Biển cách Minh Châu, Quan Lạn, Vân Đồn 10 Km. Nơi ĐKNKTT: Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa).
Hải Ninh