Đây là một trong những nội dung được trao đổi tại tọa đàm khoa học “Đóng tàu đánh bắt cá vỏ thép”, được tổ chức ở ĐH Giao thông vận tải TP.HCM vào sáng 7/6.
Liên quan đến chương trình đóng tàu vỏ sắt, Thủ tướng Chính Phủ đã quyết định chủ trương hoán đổi tàu cá vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên (với tổng vốn khoảng10.000 tỉ đồng) trong tổng số hơn 130.000 tàu cả nước.
Tại tọa đàm, ba phương án tàu mẫu đánh bắt cá vỏ thép dùng lưới rê, lưới vây và lưới kéo được giới thiệu bởi đại diện tổng công ty Công nghiệp Đóng tàu Việt Nam SBIC. Đây là đơn vị thí điểm đóng mẫu sáu tàu cá vỏ thép và đã bàn giao ba chiếc cho ngư dân các tỉnh Nam Định, Quảng Ngãi.
Theo ông Phạm Non (chuyên đóng tàu gỗ ở thành phố Quảng Ngãi), biển quê ông – nơi hiện có đội tàu gỗ khoảng 1.000 chiếc - đang rất “nóng” câu chuyện cho ngư dân vay vốn đóng tàu cá vỏ thép. Tuy nhiên, trao đổi bên lề buổi tọa đàm, ông Phạm Non cho biết, ngư dân đón nhận tàu vỏ sắt khá dè dặt.
“Điều quan trọng nhất đối với ngư dân là hiệu quả của các chuyến đi biển để phục vụ mục tiêu là nuôi sống gia đình, lo cho con ăn học và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tàu vỏ thép có nhiều tính năng vượt trội nhưng ngư dân rất quan tâm đến mức tiêu hao nhiên liệu và hiệu quả sử dụng”- ông Non nhấn mạnh.
Nói về chiếc tàu Hoàng Anh 01 (mẫu tàu do SBIC đóng, hiện do ngư dân Mai Thành Văn ở Quảng Ngãi sử dụng), ông Non cho biết, chuyến đi biển đầu tiên không có lãi, trong đó có nguyên nhân là mức tiêu hao nhiên liệu chưa thật sự hợp lý. Ông cũng đề nghị điều chỉnh một số thông số kỹ thuật của tàu, như nâng mức hộp số tàu lên, nâng đường kính chân vịt…
Tương tự, nhiều nhà khoa học cũng đề nghị xem xét thêm nhiều khía cạnh khi thiết kế các mẫu tàu cá vỏ thép cho phù hợp với thói quen, tập quán sử dụng từng vùng, thậm chí là còn có thể tham gia đẩy đuổi tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam. Ý khác cho rằng giá trị tàu quá cao, chỉ phù hợp với nghề câu mực đại dương… nên ngư dân chưa mặn mà với các mẫu đóng thử nghiệm vừa qua.
Cần hỗ trợ
Cũng chia sẻ rằng tàu vỏ thép có mức đầu tư cao (hơn khoảng 60% so với tàu gỗ), ông Ngô Tùng Lâm, phó Tổng Giám đốc SBIC thì cho biết: thời gian đầu hoạt động của một tàu vỏ thép mẫu cho thấy tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm so tàu vỏ gỗ, như tốc độ di chuyển nhanh nhưng an toàn hơn, mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn 15%, chịu đựng thời tiết tốt hơn...
Theo ông Lâm, việc chuyển đổi sang tàu cá vỏ thép gặp khó khăn về nguồn vốn, tính hiệu quả và đặc biệt là thay đổi thói quen của ngư dân. Tàu chưa bao gồm ngư lưới cụ đã trị giá 5-7 tỉ đồng. Vì vậy, ông Lâm kiến nghị Chính phủ tạo điện kiện hỗ trợ SBIC mở rộng chương trình.
Tại toạ đàm, PSG.TS Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, chủ tịch hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế Biển TP.HCM cho rằng: việc đổi sang tàu vỏ thép là thiết thực và cần đẩy mạnh. 3.000 chiếc tàu vỏ thép được thay thế sẽ là lực lượng nòng cốt để ngư dân yên tâm bám biển xa bờ.
Đây cũng sẽ là lực lượng hùng hậu và thường xuyên trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, rất cần ghi nhận những ý kiến đóng góp chuyên môn thẳng thắn hôm nay để điều chỉnh cho phù hợp, đầu tư phát triển ngành ngư nghiệp, tạo thành đội tàu cá hùng mạnh.
Theo Một thế giới