Tàu TQ mở rộng phạm vi bảo vệ tại giàn khoan trái phép

Google News

(Kiến Thức) - Trung Quốc mở rộng song vẫn bố trí 3 vòng bảo vệ khép kín giàn khoan trái phép, ngang ngược cho máy bay bay ở độ cao chỉ 300-500m...

Chiều 7/7, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, hôm qua Trung Quốc duy trì 103-110 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan 981, trong đó 45-47 tàu hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 12-13 tàu kéo, 29-32 tàu cá vỏ sắt và 4 tàu quân sự .
Ngày 7/7, thời tiết trên khu vực biển Hoàng Sa có sóng cấp 3, cấp 4, rất thuận lợi cho việc quan sát bằng mắt thường từ các tàu của lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Tại thực địa, các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục thực thi nhiệm vụ cách giàn khoan Hải Dương 981 từ 10 đến 12 hải lý.
 Tàu Trung Quốc hiện mở rộng phạm vi bảo vệ hơn so với những ngày trước đó. Ảnh: Tiền Phong
Theo ghi nhận, các tàu Trung Quốc đã tập trung gần giàn khoan hơn và mở rộng phạm vi bảo vệ hơn so với những ngày trước đó. Trung Quốc vẫn bố trí 3 vòng bảo vệ khép kín giàn khoan và tổ chức ngăn cản quyết liệt khi các tàu Việt Nam tiến vào làm nhiệm vụ đấu tranh, tuyên truyền, và yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan cùng các tàu bảo vệ và tàu hộ tống ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đến 16h ngày 7/7, phía Trung Quốc vừa huy động thêm 2 máy bay mới, bay liên tục quanh giàn khoan.
Trước đó, từ 8h5 đến 850, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã phát hiện 1 máy bay trực thăng bay từ giàn khoan ra ở độ cao 300-500m, bay 1 vòng quanh khu vực, sau đó bay về giàn khoan.
Từ 11h20-11h30, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam cho biết lại phát hiện thêm 1 máy bay cánh bằng không rõ số hiệu bay từ hướng Bắc tới ở độ cao 800-1.000m, bay 2 vòng, sau đó rời khu vực theo hướng Bắc.
Như vậy, sau nhiều ngày không có sự xuất hiện các máy bay quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981, thì hôm nay phía Trung Quốc lại huy động máy bay xuất hiện trở lại. Theo đó, phía Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 103-110 tàu các loại; trong đó có 45-47 tàu Hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 12-13 tàu kéo, 29-32 tàu cá các loại và 4 tàu quân sự.
Cung cấp thông tin về diễn biến tại hiện trường thực địa, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn thực hiện nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan ở khoảng cách từ 10-11 hải lý so với giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, khi các tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp cận giàn khoan để đấu tranh tuyên truyền thì các tàu của Trung Quốc ở vòng ngoài đã tiến hành dàn hàng ngang đồng loạt tăng tốc độ, cơ động áp sát các tàu Kiểm ngư của Việt Nam; ngăn cản, hú còi nhằm uy hiếp và không cho các tàu của Việt Nam tiến vào gần giàn khoan.
Trước tình hình đó, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cũng khẳng định, lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn chủ động, điều khiển tàu vòng tránh, đảm bảo an toàn, kiên trì bám trụ để đấu tranh tuyên truyền và thực thi pháp luật.
Cùng với đó, các tàu cá của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa vẫn tiến hành đánh bắt thủy sản ở phía Tây Tây Nam, cách giàn khoan 42-45 hải lý. Trên khu vực tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt thủy sản có khoảng 29-32 tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 1 tàu Hải cảnh và 1 tàu Ngư chính của Trung Quốc thường xuyên bám sát, ngăn chặn, ép hướng các tàu cá của ngư dân Việt Nam, không cho các tàu cá của ngư dân Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Mặc dù, gặp nhiều sự ngăn cản từ phía Trung Quốc nhưng dưới sự hỗ trợ của các tàu Kiểm ngư, các tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn bám sát ngư trường đánh bắt thủy sản và đảm bảo an toàn.
Ở một diễn biến khác, chiều 7/7, trường Đại học Luật TP HCM tổ chức diễn đàn “Những vấn đề pháp lý về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên biển Đông”. Diễn đàn thu hút đông đảo người tham dự.
Tại diễn đàn, trường Đại học Luật TP HCM đã cung cấp nhiều tư liệu, thông tin cập nhật diễn biến tình hình tại Biển Đông hơn 2 tháng qua, từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho sinh viên. Sinh viên của trường cùng trình bày các tham luận, thảo luận, trao đổi ý kiến về vấn đề pháp lý xung quanh hành vi xâm phạm trái phép của Trung Quốc, trong đó các nhóm đưa ra nhiều bằng chứng pháp lý xác đáng, sắc bén về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tại diễn đàn còn có triển lãm ảnh, tư liệu với chủ đề “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” và các hoạt động nhắn tin ủng hộ chương trình “Chung sức Vì biển đảo quên hương”, ký tên ủng hộ chương trình “Triệu trái tim, triệu chữ ký” do Hội Liên Hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM phát động.
Minh Hiếu (Tổng hợp)