Tâm sự những người vợ trước ngày Đoàn Văn Vươn được đặc xá

Google News

(Kiến Thức) - Trước ngày ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá dịp 2/9, người vợ thay chồng chăm lo gia đình đã trải lòng về quãng thời gian khó khăn, đau khổ.

Những người phụ nữ thay chồng làm trụ cột
Ngay khi nhận được tin ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý - những người bị kết án tù giam trong vụ án “Giết người, chống người thi hành công vụ” xảy ra ngày 5/1/2012 tại khu đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông (xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) được đặc xá nhân dịp 2/9, PV Kiến Thức đã trở lại khu đầm Cống Rộc ở xã Vinh Quang, nơi gia đình ông Vươn và ông Quý đang sinh sống.
Trái ngược với cảnh ngổn ngang, đổ nát ở thời điểm ngay sau vụ cưỡng chế vào tháng 1/2012, nay khu đầm này đã được hồi sinh. Những vườn cây tươi tốt, dưới đầm cá bơi thành đàn như thời điểm trước khi có cuộc cưỡng chế, khi khu đầm này vẫn được ông Vươn và ông Quý chăm nom.
Tam su nhung nguoi vo truoc ngay Doan Van Vuon duoc dac xa
 Ngôi nhà chung của vợ con ông Vươn, ông Quý.
Cách khu đầm một khoảng cách không xa là một ngôi nhà khang trang nằm trong khu dân cư thôn Chùa Dưới, xã Vinh Quang, đó là nơi vợ con ông Vươn và ông Quý đang sinh sống. Khi biết thông tin ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá, cả gia đình ông ở quê vui mừng khôn xiết. Hàng xóm láng giếng đến nhà chia vui rất đông. Dù chưa chính thức có quyết định đặc xá nhưng ai cũng tin, chỉ vài ngày nữa, căn nhà này sẽ có hai người đàn ông trở về đoàn tụ.
Gặp lại bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Quý), tôi rất bất ngờ. Bởi trước đây, khi xảy ra vụ cưỡng chế khu đầm ở Tiên Lãng, nhìn hai người phụ nữ này gầy rộc, đen nhẻm, trên khuôn mặt lúc nào cũng đượm buồn, đầy vẻ lo lắng mà những tưởng chỉ vài câu hỏi của PV, nước mắt họ sẽ trào rơi, thì nay, họ dường như trẻ lại, béo trắng, ai lần đầu gặp cứ ngỡ họ là người thành thị chứ không phải người phụ nữ chân quê lấm bùn. Khuôn mặt rạng rỡ, thường trực nụ cười, bà Thương và bà Hiền giao tiếp với hàng xóm cởi mở: “Hai anh mà được về thì tất cả anh em, bạn bè đến đây ăn cơm chia sẻ cùng gia đình nhé”.
Mấy ai biết rằng, 3 năm 7 tháng qua, trong thời gian chồng thụ án, những người phụ nữ này đã phải trải qua bao nhiêu sóng gió mà nhiều khi họ tưởng như không thể vực dậy được. Nhớ lại quãng thời gian vụ án tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Đoàn Văn Vươn và UBND huyện Tiên Lãng, bà Phạm Thị Hiền và bà Nguyễn Thị Thương chững lại nụ cười, đôi mắt hướng ra khu đầm. “Chúng tôi tưởng không vực được mọi thứ. Thế mà thời gian thấm thoát đã 3 năm, 7 tháng kể từ lúc chồng và em chồng tôi bị bắt. Không ai ngờ có ngày hôm nay”, bà Nguyễn Thị Thương chia sẻ.
Tam su nhung nguoi vo truoc ngay Doan Van Vuon duoc dac xa-Hinh-2
 Bà Phạm Thị Hiền phấn khởi trò chuyện với PV.
“Hồi anh Quý và anh Vươn ở nhà, chị em chúng tôi chỉ ở nhà, lo cơm nước và nuôi dạy con cái. Chúng tôi chưa hề phải lo công việc ngoài đầm. Mọi khó khăn chúng tôi chưa từng trải qua”, bà Hiền kể.
Ngồi bên cạnh bà Hiền, bà Thương cho biết, sau khi ông Vươn và ông Quý cùng bị giam ở trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương), bà Thương và bà Quý đã chuyển về sống cùng nhau để cùng vượt qua những khó khăn, thử thách đầy nghiệt ngã của cuộc sống.
“Khi các anh bị giam, gia đình bao nhiêu người đứng sau. Lúc đó, chỉ còn mình tôi là khỏe mạnh nhất. Tôi vực chị Thương và nói với chị ấy: Bằng giá nào cũng phải mạnh mẽ vươn lên nếu không cả gia đình sẽ không trụ nổi. Tôi cũng không ngờ, chị ấy trở nên mạnh mẽ hơn và hết đau yếu hẳn. Để có thể mưu sinh cho cuộc sống, chị em chúng tôi cùng nhau vực lại khu đầm. Do sức khỏe người phụ nữ không cáng đáng nổi, hai khu đầm rộng mênh mông, hai chị em tôi chỉ đủ sức cáng đáng một đầm, khu đầm còn lại phải tạm thời cho người khác mượn làm trả sản lượng. Hai chị em cũng phải nhờ một người cháu ngoại làm giúp thêm mới cáng đáng nổi việc trông coi, nuôi thả và thu hoạch đầm vùng. Chúng tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều khi không có chồng ở bên cạnh”, bà Hiền tâm sự.
Bà Thương ngồi chia sẻ thêm: “Thời điểm đen tối nhất của gia đình, tôi nhìn Hiền đóng vai trò như người chồng trong gia đình. Mọi thứ, Hiền quyết định, bươn chải và tôi làm theo. Trước đây, khi các anh ở nhà, chúng tôi không biết các anh ngoại giao, vay mượn thế nào. Nhưng khi mọi người đòi nợ thì phải trả, toàn người thân trong nhà. Tính tổng cộng tiền nợ nần lên tới 3 tỷ đồng”.
Gồng mình canh đầm mùa mưa bão
Theo lời bà Thương và bà Hiền, nỗi sợ hãi nhất khi không có chồng bên cạnh là khi mùa bão lũ đến, không có người đàn ông ở nhà. “Có lần bão lịch sử là cơn bão số 8, năm 2012 và cơn bão năm 2013, đổ hết cây cối, nước dâng to, lụt bờ. Hồi đó, chúng tôi vẫn ở khu đầm, đêm hôm, chị em tôi và cháu phải đi kiểm tra đầm. Mỗi người cầm một con dao, chặt chuối đổ ngổn ngang ở đường và dọn những cành cây đổ mới có thể vào đầm. Bờ đầm nứt, cá, tôm ra hết ngoài, thiệt hại không biết bao nhiêu”, bà Hiền ngồi kể lại.
“Mỗi khi mưa gió như thế, hai chị em tôi đi trên bờ đầm suýt bị gió cuốn phăng xuống đầm. Cũng may nhờ trời, mấy năm làm đầm không bị thất bát, không được thu lớn nhưng cũng có đồng ra đồng vào, đủ trang trải cho việc thăm nuôi chồng trong trại và lo cho các cháu học hành, công việc đối nội, đối ngoại trong gia đình".
Tam su nhung nguoi vo truoc ngay Doan Van Vuon duoc dac xa-Hinh-3
 Khu đầm do hai người phụ nữ chăm nom.
Không thể sống mãi cảnh bờ sông bãi sú, mưa gió bão bùng, tháng 7/2013, bà Hiền và bà Thương đánh liều làm ngôi nhà trong khu dân cư thôn Chùa Dưới, xã Vinh Quang để không phải ở dưới đầm nguy hiểm nữa. Bà Hiền cho biết, hai chị em dâu đã vay mượn 50 triệu đồng để đặt cọc nguyên liệu xây nhà. “Chị em tôi vừa làm nhà, vừa lo làm đầm. Thời gian đó, người chúng tôi gầy sắt lại, tôi mới 30 tuổi nhưng ai cũng tưởng tôi 50 tuổi. Sau khi xây nhà xong, công việc ở đầm cũng ổn định, thu nhập khá lên, tinh thần chị em tôi phấn khởi nên trẻ ra, ai nhìn cũng bảo không nhận ra”, bà Hiền tâm sự.
Chồng về, cuộc sống sẽ tốt hơn
Dù cuộc sống vất vả khó khăn nhưng hai người phụ nữ luôn cố gắng vượt qua mà không lời trách than những hành động của chồng để dẫn đến vòng lao lý. Họ vừa làm ăn, vừa chăm lo con cái, vừa dành thời gian vào thăm chồng. “Khi vào thăm, ông Vươn và ông Quý đều nói sẽ quyết tâm lao động, chấp hành tốt nội quy của trại để sớm được trở về với gia đình, đó là động lực để chúng tôi cố gắng”, bà Hiền cho hay.
“Từ ngày biết tin các anh ấy được đề nghị xét đặc xá, gia đình vui lắm. Hai chị em cũng như các cháu mong từng ngày từng giờ. Sau mấy năm thiếu vắng, các cháu sắp được đón bố chúng nó trở về”, bà Hiền xúc động nói.
Tam su nhung nguoi vo truoc ngay Doan Van Vuon duoc dac xa-Hinh-4
 Bà Nguyễn Thị Thương.
Bà Thương cũng cho biết, con trai lớn của bà và ông Vươn hiện nay đã học đại học năm thứ 2, khoa Công nghệ sinh học. Con trai bà sẽ về theo nghiệp của bố. Nguyện vọng của gia đình là được làm ăn yên ổn và làm giàu chính đáng trên mảnh đất của quê hương mình.
“Khi nghe tin hai anh được xét đề nghị đặc xá năm nay, cả gia đình vui mừng khôn xiết. Tính đến nay là hai anh đi được 3 năm, 7 tháng. Thời gian loáng cái trôi thật nhanh. Có hai anh về, gánh vác công việc gia đình tôi chắc chắn sẽ phát triển kinh tế rất tốt. Bởi bây giờ, chị em tôi đã trưởng thành và có thể phụ chồng rất nhiều việc”, bà Hiền phấn khởi trao đổi.
Khác với lần rời Cống Rộc trước đây, lần này, tôi cảm thấy ngày mai tươi sáng đang rất gần với họ sau bao nhiêu giông bão của cuộc sống. Ánh mắt bà Thương hướng về phía khu đầm có ánh sáng mặt trời đang chiếu tỏa.
Nhất định, ngày ông Vươn và ông Quý trở về, tôi sẽ trở lại để chia vui cùng gia đình họ trong những giây phút đoàn tụ, sum vầy…
Hải Ninh