Đóng tiền nước đầy đủ vẫn bị cắt nước bắt nộp phạt
Trong đơn khiếu nại, bà Phạm Thị Lý cho biết, năm 2012, gia đình bà mua lại căn nhà của ông Hoàng Tiến Nam (ngách 101/35/22 Hào Nam, Hà Nội) với đầy đủ hợp đồng điện nước và từ đó đến nay, gia đình luôn chấp hành thanh toán đầy đủ hợp đồng điện nước hằng tháng.
Ngày 17/3/2014, trong khi cải tạo hệ thống nước sạch chung trong khu dân cư, hai nhân viên của Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Đống Đa (XNKDNS ĐĐ) có thông báo về việc phát hiện có một Tê (T) chờ sẵn nằm sâu dưới đất (phần đường ống do công ty quản lý) và lập biên bản ngày với nội dung: "Vị trí lắp ngoài nhà, không hộp độ xi măng. Kiểm tra thực tế trước đây, ông Hoàng Tiến Nam có đấu T trước đồng hồ đo nước để sử dụng nước không qua đồng hồ... Kết luận: Việc hộ ông Hoàng Tiến Nam đấu T trước đồng hồ để sử dụng không qua đồng hồ là vi phạm điều 10 chương III QĐ- 05/NSHN".
Bà Lý cho biết, gia đình bà thực sự không hề biết cái T này được lắp đặt do ai và từ thời gian nào. Đặc biệt, cái T được đóng kín không nối với đường nước vào nhà bà. Nước nhà bà sử dụng qua đồng hồ, tháng nào cũng đóng nước đầy đủ (có hóa đơn kèm theo) nhưng hai nhân viên xí nghiệp vẫn buộc bà ký vào biên bản chỉ để xác nhận có hiện tượng ấy nếu không họ sẽ cắt nước 3 tháng.
Do tuổi già bị dọa hoảng loạn và tin lời họ nên bà đã ký vào biên bản nhưng ghi rõ: "Các hiện tượng đấu T trước đồng hồ ở dưới ngầm tôi không hề biết". Nhưng ngay lập tức sau ký họ vẫn cắt nước của gia đình bà và đến nay đã hơn 7 tháng. Gia đình bà đã có đơn khiếu nại và nhiều lần làm việc với xí nghiệp nhưng được trả lời là gia đình phải nộp phạt lúc đầu là hơn 20 triệu đồng và dần rút xuống 13 triệu đồng mới cấp nước lại.
Bà Lý than: "Vợ chồng tôi đã già cả, sức yếu, ốm đau hằng ngày phải đi xin từng xô nước của hàng xóm xách lên từng tầng sinh hoạt đã cực khổ lắm rồi. Việc xí nghiệp bắt chúng tôi nộp số tiền phạt lớn trong khi chúng tôi không vi phạm, chúng tôi già cả sống bằng lương hưu lấy đâu ra tiền để nộp. Đặc biệt, chúng tôi không đấu cái T và vẫn đóng nước sinh hoạt hằng tháng đầy đủ, bắt chúng tôi nộp phạt, tức là "buộc" chúng tôi vào việc vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của chúng tôi".
|
Đơn kiến nghị của bà Lý. |
Cần làm rõ trách nhiệm và trả lại quyền sống tối thiểu cho người dân
Theo bà Lý, việc hai nhân viên xí nghiệp nước lập biên bản như vậy là hồ đồ, chối bỏ trách nhiệm, vu khống công dân. Bởi phần ống nước phía trước đồng hồ lắp cho người dân là thuộc quyền quản lý lắp đặt, người dân không có quyền động chạm vào đường nước này, nếu động chạm là vi phạm pháp luật. Vậy tại sao đường nước do xí nghiệp quản lý lắp đặt lại có hình chữ T này? Trách nhiệm quản lý của xí nghiệp ở đâu?
Việc nhân viên XNKDNS ĐĐ lập biên bản kết luận ông Hoàng Tiến Nam (chủ trước) đấu T trước đồng hồ nước để sử dụng nhưng không hề có bằng chứng về việc ông Nam có phải là người đấu T hay không? Bà Lý nhấn mạnh, nhân viên lập biên bản cho biết, có ảnh chụp là chụp cái T đấu dưới đất, có chụp được hình ảnh T đấy dẫn nước đi đâu không? Ai đấu? Và đường nước đó dẫn đến đâu thì mới có đủ chứng cứ để kết luận.
Vì vậy, cần làm rõ, đưa ra các bằng chứng xác đáng, tránh tình trạng vu khống làm ảnh hưởng tới uy tín của công dân. Việc này cần phải làm rõ trách nhiệm của người quản lý và người lắp đặt và sử dụng nguồn nước sai trái khi lắp T. Nếu không có đủ bằng chứng, các thanh tra viên của xí nghiệp phải lập lại biên bản vụ việc trên một cách khách quan có sự chứng kiến của gia đình, tổ dân phố, chính quyền, cơ quan báo chí... để làm rõ những vi phạm và xử đúng người, đúng tội (nếu có).
"Đặc biệt, gia đình tôi trong vụ việc này không vi phạm, vậy XNKDNS ĐĐ cần phải cấp lại nước sinh hoạt cho gia đình tôi, đảm bảo cho gia đình tôi quyền sống tối thiểu của công dân - có nước để sinh hoạt", bà Lý nhấn mạnh.
Thúy Nga