Theo Thông tư 118/2009 của Bộ Tài chính quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi hồi hương được phép nhập khẩu 1 ôtô cá nhân đang sử dụng. Tài sản được quy định cụ thể là chiếc ôtô sẽ được miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng.
Lợi dụng chính sách này, đã có không ít siêu xe được nhập về Việt Nam để trốn thuế. Theo một thông tin từ cơ quan công an thì đã có hàng trăm chiếc xe sang đã lăn bánh dưới hình thức “núp” chính sách như thế này. Điều đó có nghĩa là Nhà nước đã thất thu số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.
Xe sang bị bỏ rơi
Theo Tổng cục Hải quan, chỉ trong vòng 3 năm từ 2011 đến 2013 số lượng xe ôtô nhập khẩu về Việt Nam theo quy định tại Thông tư 118 thuộc diện Việt kiều hồi hương để tránh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng ngày một nhiều.
Thống kê cụ thể từ đơn vị này cho thấy: tính đến ngày 30-5-2013 đã có 178 xe ôtô nhập khẩu đã qua sử dụng nhưng không đáp ứng điều kiện được chuyển về Việt Nam và đang lưu giữ tại các cảng để chờ xử lý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Gần đây, nhiều đơn vị Hải quan trên cả nước liên tiếp phát hiện những chiếc ôtô được nhập về theo diện trên bị bỏ rơi, không ai thừa nhận. Cuối năm 2012, lực lượng Hải quan đã xác minh 16 ôtô nhập khẩu theo diện tài sản của Việt kiều hồi hương tại Bắc Ninh và phát hiện cả 16 trường hợp chủ nhân đăng ký tại đây đều không có mặt tại địa phương, không có hồ sơ đăng ký thường trú tại xã.
Và mới đây nhất, Cục Hải quan Đà Nẵng đã phát hiện 5 xe ôtô hạng sang được chứa trong các container đặt ở Cảng Tiên Sa gồm 3 chiếc Lexus LX570 được nhập về từ Cảng Oakland, Mỹ, 1 chiếc Lexus LX 350 và 1 chiếc Lexus 460F nhập về từ Hồng Kông, Trung Quốc theo diện xe của Việt kiều hồi hương…
Để xác định chính xác chủ nhân của những chiếc xe nhập khẩu dưới danh nghĩa Việt kiều có đúng để Việt kiều sử dụng hay không, Tổng cục Hải quan đã tiến hành điều tra và kết quả cho thấy: Một số đối tượng trong nước đã móc nối với Việt kiều, thuê người làm thủ tục của Việt kiều hồi hương để mang xe ôtô về Việt Nam nhằm trốn thuế Nhà nước. Sau khi thực hiện hành vi gian lận trót lọt, các đối tượng sẽ sang tên, chuyển nhượng cho người khác để kiếm lợi bất hợp pháp…
“Lách” luật
Điều gì khiến cho nhiều đối tượng phải xoay sở đủ kiểu để “lách”? - Một câu hỏi dễ trả lời, đó chính là lợi nhuận - mức chênh lệch thuế quá lớn, chưa kể đến việc nếu “trót lọt” mang bán ra thị trường còn “ẵm” thêm một khoản lời không nhỏ khiến nhiều đối tượng gian lận để nhập khẩu ôtô theo tiêu chuẩn Việt kiều hồi hương. Và để cho “quy trình” được “nhanh” từ A-Z, rất nhiều những thủ đoạn, mánh khóe đã được giới nhập khẩu sử dụng để “lách” luật hưởng lợi về thuế.
Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cụ Hải quan đã phát hiện được nhiều “chiêu trò” lách luật, đặc biệt là xác minh được một số đường dây tổ chức mua “suất” Việt kiều hồi hương để nhập xe siêu sang về Việt Nam. Các đối tượng trong nước trực tiếp nhắm vào những diện Việt kiều này, liên tục “tỏa sóng” tới các quan hệ để “bắt… mối”, mua “suất” và thỏa thuận lợi nhuận thu được sau khi nhập trót lọt siêu xe.
Theo khai báo của một số đối tượng tại cơ quan công an, giá một “suất” Việt kiều hồi hương không rẻ, tăng cao theo từng năm. Những năm trước mức người bán “suất” đã có quốc tịch được hưởng từ 8.000-10.000 USD, và hiện nay có giá từ 15.000-20.000 USD, người bán “suất” không mất gì, được cung ứng vé máy bay 2 chiều, ăn nghỉ ở khách sạn tốt nhất, mọi khâu giấy tờ, thủ tục bên mua “suất” lo trọn gói.
Trong quá trình rà soát, điều tra của lực lượng Hải quan về việc gian lận để nhập khẩu ôtô đối với diện Việt kiều hồi hương đãphát hiện ra một kẽ hở vô cùng quan trọng mà các đối tượng nhập lậu đã “khoét” sâu nhằm thực hiện hành vi trốn thuế.
Quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng trở về Việt Nam khi đăng ký thường trú chỉ cần có dấu kiểm chứng nhập cảnh của lực lượng xuất nhập cảnh tại cửa khẩu là có thể được cấp hộ khẩu thường trú. Trong khi đó, quy định về điều kiện để được cấp phép nhập khẩu xe ôtô của đối tượng Việt kiều hồi hương là Giấy thông hành hoặc hộ chiếu hồi hương bản sao có công chứng hộ khẩu.
Chính điều này đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng có thể nhập khẩu xe nhằm trốn thuế. Hơn nữa, Việt kiều có 2 quốc tịch vừa sống ở Việt Nam vừa sống ở nước ngoài mỗi lần xin cấp phép nhập khẩu chỉ cần xin cấp hộ khẩu ở địa phương khác mà cơ quan Hải quan chưa có cơ sở để xác định cá nhân đó đã được cấp lần nào hay chưa, dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng nhập khẩu ôtô theo chế độ tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương nhiều lần. Mà thực tế kiểm tra phát hiện thấy có hàng chục trường hợp có dấu hiệu sai phạm trong việc cấp hộ khẩu như đăng ký ở địa phương này nhưng lại không có mặt tại nơi đăng ký, sử dụng hộ khẩu giả và chữ ký giả.
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã khởi tố 4 vụ án hình sự về tội giả mạo hồ sơ, chứng từ để buôn lậu, trốn thuế của các đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi của Việt kiều để nhập khẩu miễn thuế xe ôtô thu lợi bất chính. Ngoài việc gây thất thu cho ngân sách Nhà nước số tiền thuế lớn, các vụ việc còn cho thấy tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi đối với Việt kiều hồi hương diễn ra rất phức tạp như hành vi móc ngoặc, câu kết làm giả mạo hồ sơ, làm giả đăng ký hộ khẩu thường trú, chứng từ, chữ ký, dấu tên để nhập khẩu miễn thuế ôtô.
Siết chặt và xử lý xe nhập khẩu trái phép
Trước tình trạng lợi dụng chính sách của Nhà nước đối với Việt kiều để “lách” luật trốn thuế trong việc nhập khẩu ôtô, mới đây Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo “Thông tư quy định việc nhập khẩu xe ôtô, môtô theo chế độ tài sản di chuyển của công dân Việt Nam đang định cư ở nước ngoài đã hoàn tất thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam” để thay thế cho Thông tư 118/2009TT-BTC theo hướng siết chặt các điều kiện nhập khẩu, đăng ký đối với ôtô, môtô về nước.
Dự thảo Thông tư mới có nhiều điểm quan trọng quy định cụ thể yêu cầu, quy cách tiêu chuẩn tài sản di chuyển của Việt Kiều đồng thời tăng cường hiệu lực hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước nhằm ngăn chặn hành vi “lách” luật, lợi dụng chính sách miễn thuế của Nhà nước để đưa ôtô về Việt Nam bán lại.
Cụ thể, xe ôtô chỉ được nhập khẩu theo chế độ tài sản di chuyển phải có thời gian lưu hành không quá 5 năm (tính từ năm sản xuất đến thời điểm về đến cảng Việt Nam). Đặc biệt, dự thảo Thông tư mới cũng quy định, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ cấp giấy phép sẽ đăng nhập và truyền gửi dữ liệu về Tổng Cục Hải quan để đơn vị này trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận dữ liệu có thông báo kiểm soát. Trên cơ sở này, Cục Hải quan tỉnh, thành phố quyết định cấp hoặc từ chối không cấp giấy phép nhập khẩu xe ôtô, môtô.
Điểm khác biệt lớn nhất của Thông tư lần này so với Thông tư 118 đang được áp dụng, đó là các đối tượng là Việt kiều phải trực tiếp thực hiện các thủ tục mà không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Việt kiều nếu không sử dụng mà đem bán, cho, biếu, tặng lại sẽ phải nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT chênh lệch tăng, thuế GTGT. Bộ Tài chính cũng đang kiến nghị truy thu thuế và xử lý hành chính với gần 180 ô tô được nhập về và đang lưu giữ tại cảng Việt Nam nhưng không đủ điều kiện nhập theo chế độ tài sản của Việt kiều hồi hương.
Tuy nhiên, ngoài việc siết chặt chính sách, cũng còn phải xử lý nghiêm về mặt pháp luật. Luật sư Phạm Trung Hiếu, Văn phòng Luật sư Công Minh cho rằng để xử lý về mặt pháp luật đối với những hành vi trốn thuế, trong trường hợp nếu ngay từ đầu Việt kiều đã biết rõ chiếc xe này thuộc đường dây duôn lậu và hai bên có thỏa thuận bất hợp pháp với nhau (thỏa thuận ăn chia, thỏa thuận trả thù lao…) thì rõ ràng đã có dấu hiệu đồng phạm trong tội buôn lậu. Việc chứng minh ý chí chủ quan, động cơ, mục đích cũng như các thỏa thuận giữa hai bên thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần truy thu thuế và xử lý hành chính với những chiếc xe ôtô được nhập về dưới dạng Việt kiều hồi hương nhưng không đủ điều kiện nhập theo chế độ và đang lưu giữ tại cảng Việt Nam.
Liên quan đến các hành vi trốn thuế này, mới đây lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ tham mưu, chỉ đạo cho các phòng chức năng thuộc Công an 46 tỉnh, thành phố tập trung điều tra làm rõ các tổ chức buôn lậu ôtô, môtô từ nước ngoài nhập khẩu về Việt Nam dưới hình thức tài sản di chuyển của Việt Kiều hồi hương và tội phạm tham nhũng tiếp tay cho hành vi buôn lậu này.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cũng đã đề nghị cơ quan Hải quan cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan, đặc biệt là nhập khẩu ôtô, xe máy của các cá nhân thuộc diện Việt kiều hồi hương trong thời gian từ tháng 6-2011 đến 31-12-2012, đồng thời phối hợp tạm giữ xe ôtô, xe máy đã và đang về cảng là tài sản của các cá nhân thuộc diện Việt kiều hồi hương để tiếp tục điều tra. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, trong thời gian tới đây chắc chắn tình trạng “lách luật”, lợi dụng chính sách miễn thuế của Nhà nước để đưa ôtô về Việt Nam bán lại sẽ giảm mạnh.
Một chiếc xe Rolls Royce bản cơ sở có giá khoảng 250.000 USD (hơn 5 tỷ đồng). Tính sơ bộ, các loại thuế, phí sẽ gồm: 175.000 USD (thuế nhập khẩu 70%), 255.000 USD (thuế tiêu thụ đặc biệt 60% tính trên giá xe + thuế nhập khẩu), 68.000 USD (thuế giá trị gia tăng 10% tính trên tổng giá xe đã có thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt).
Như vậy chỉ tính riêng tổng số thuế phải nộp cho một chiếc xe Rolls Royce bản cơ sở là 498.000 USD. Cộng với giá gốc, chiếc xe Rolls Royce bản cơ sở ở Việt Nam sẽ có giá khoảng 750.000 USD (khoảng 15 tỷ đồng). 1 chiếc xe Rolls Royce bản cơ sở nếu được nhập về theo diện Việt kiều hồi hương (hàng đang sử dụng dưới 3 năm) áp thuế 85% giá trị xe mới và 60% thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghĩa là giá xe chưa đến 400.000 USD (8 tỷ đồng), rẻ bằng gần một nửa so với chiếc xe nhập khẩu theo cách thông thường.
Thu Nguyên