Để có hơn 11.000 tỷ đồng tăng 5%, Chính phủ yêu cầu từ trung ương đến địa phương cắt giảm 30% chi thường xuyên cho các hoạt động hội nghị, hội thảo, những dự án chưa thật cấp bách, chi trả nợ giữ nguyên, bội chi giữ nguyên mức 254.000 tỷ đồng…
|
Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết chi 11.000 tỷ đồng để tăng lương từ 1/5/2016. Ảnh: Minh Huệ |
“Trong hơn 11.000 tỷ đồng cắt giảm chi thường xuyên, khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa là tiền ngân sách địa phương, ngân sách trung ương phải lo hơn 4.000 tỷ đồng và chúng tôi đã thống nhất được với các bộ về nguồn này”, đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên Ủy ban Tài chính của Quốc hội cho biết.
Sáng nay, ngày 10/11, theo chương trình Quốc hội sẽ Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 (trong đó bao gồm việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên).
Một trong những nội dung được quan tâm, đó là có cân đối được nguồn để tăng lương hay không. Theo đại biểu Quốc hội, lộ trình tăng lương đã bị chậm do không cân đối được nguồn nên không thể không tăng lương. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp rà soát và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tích cực để có nguồn tăng lương.
Theo đó, những người từ 1/1/2015 đã được Chính phủ nâng 8% cho về hưu, người có công, người có hệ số lương dưới 2,34 và lực lượng vũ trang thì vẫn tiếp tục thực hiện.
Đặc biệt, từ ngày 1/5/2016, thực hiện tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng (tăng 5%) đối với cán bộ công chức, lực lượng vũ trang; bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số trên 2,34.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Thụ cho biết, Quốc hội giao các bộ ngành, địa phương tính toán ngân sách được giao để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số bộ ngành, địa phương nghèo, ngân sách khó khăn.
Theo đó, đại biểu Thụ cho biết đã cân đối được hơn 11.000 tỷ đồng để tăng lương thông qua việc cắt giảm một số hoạt động chi thường xuyên không cần thiết.
“Áp lực cân đối để tăng lương lúc đầu là rất khó, nhưng việc tăng lương là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện một số khoản chi chưa thực sự tiết kiệm và nợ đọng tiền thuế lên đến 76.000 tỷ đồng thì 50% trong số đó có khả năng thu được”, đại biểu Thụ nhận định.
Cũng về vấn đề tăng lương đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết việc tăng lương sẽ vẫn được thực hiện vì Chính phủ thấy sắp xếp được một số nguồn và vì từ tình hình đời sống cán bộ công chức có khó khăn, mức lương cơ sở quá thấp.
“Mặc dù chưa đáp ứng nhu cầu nhưng cũng cho thấy sự cố gắng của Chính phủ. Một năm chi 11.000 tỷ đồng cũng không đơn giản. Năm nay ngân sách cũng chỉ cân đối được 14.000 tỷ đồng của ngành giao thông”, đại biểu Lợi cho biết.
Ngay từ đầu Chính phủ bảo tăng lương trên 8% nhưng không cân đối được nguồn. Nhưng vì đời sống cán bộ khó khăn, nên vẫn tăng 8% với người về hưu, lực lượng vũ trang, giờ cân đối tiết kiệm, giảm chi nguồn này nguồn kia để cải thiện đời sống người lao động.
“Trong bối cảnh ngân sách hiện nay khó khăn, đây là cố gắng lớn. Hôm trước bàn là 29.000 tỷ đồng, nhưng giờ cố gắng là tốt. Mức tăng này ảnh hưởng ngân sách, tác động đến các khoản chi khác, nếu không vì 11.000 tỷ đồng thì các khoản chi khác tăng lên. Kế hoạch lúc đầu tăng 100.000 tỷ đồng, nhưng phải liệu cơm gắp mắm. Cùng giải pháp nay phải kiến nghị Chính phủ mức tăng không cao, nhưng cũng là khuyến khích rồi. Song cần khuyến nghị Chính phủ tích cực giải pháp kìm chế lạm phát, vì không kìm chế thì tăng lương sẽ ảnh hưởng”, đại biểu Lợi phân tích.
Theo đại biểu Lợi, cùng với việc cắt giảm chi tiêu, đồng thời nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế để cải cách tiền lương căn cơ. Cải cách tiền lương không phải nâng mức lương cơ sở đâu, ngoài nâng mức này thì phải cải cách cả hệ thống bảng lương, làm sao tiền lương phải đúng bản chất là tiền lương, phần cứng phải hơn phần mềm.
“Tiền lương phải thực hiện theo nguyên tắc phân phối theo lao động, làm tăng năng suất lao động và nguyên tắc căn cơ nữa là tốc độ tăng tiền lương phải chậm hơn tăng năng suất lao động”, đại biểu Lợi bình luận.
Theo Bizlive