Sát thủ bị bắt vì thích ăn trứng buổi sáng

Google News

Sau khi tổ chức cho đàn em gây trọng án, sát thủ Tuấn “lùn” mất dấu trong khu phức tạp nhất về trật tự của TP Hải Phòng.

Cảnh sát hình sự nhận định cách gây án giang hồ Hải Phòng không chỉ là nỗi ám ảnh của địa phương mà còn là điểm “nhức đầu” của cảnh sát cả nước. Vì vậy không lạ khi có những vụ cảnh sát phải ôm hồ sơ “đau đầu” trong thời gian dài.
Trong hàng ngàn vụ án được phá ở Hải Phòng, có những vụ mà khi nhắc đến các cảnh sát hình sự Hải Phòng nhớ như in dù nó không thể hiện trong hồ sơ…
“Khi việc truy tìm hung thủ Hoàng Anh Tuấn (tức sát thủ Tuấn “lùn”) rơi vào bế tắc, tôi ngồi cả đêm và chợt nhớ thói quen ăn sáng của anh ta. Từ chi tiết này, anh em đã bắt được kẻ có lệnh truy nã đặc biệt…” - Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng PC45 Công an TP Hải Phòng, kể về chuyện theo dấu hung thủ cách đây nhiều năm.
Cuộc thanh toán đẫm máu
Giang hồ trong nước còn nhớ như in sau khi Dung Hà “dính chưởng” của Năm Cam, Hải Phòng lúc bây giờ bị xem là vùng “giang hồ vô chủ”. Nhiều băng nhóm muốn ngoi lên nắm quyền kiểm soát và nhiều cuộc đụng độ xảy ra, trong đó có nhóm của Tuấn “lùn” (tức Hoàng Anh Tuấn, sinh năm 1977) và Quyền “quí” (tức Nguyễn Đức Quyền, sinh năm 1984). Hai băng này gây ra cuộc thanh toán đẫm máu ở cây xăng Đông Á.
Theo hồ sơ, đầu tháng 11/2004, Tuấn đụng xe với mấy “ong ve” của Quyền “quí” mà theo nhận định của các cảnh sát, đây là cái cớ để hai băng nhóm này thanh toán, chiếm địa vị trong vùng.
Sau khi nghe đàn em báo lại, mấy ngày sau Quyền sai sáu đàn em đến nhà Tuấn “lùn”, chém trọng thương bố và em trai của Tuấn, đẩy “đại ca Tuấn” vào thế phải rửa hận.
Sau đó Quyền lập mưu, bắn tin giả “đang tụ tập 30 đàn em tại khách sạn Việt Trung ở quận Hải An”. Tin này nhanh chóng đến tai Tuấn và tay anh chị này sập bẫy: Ngay lập tức Tuấn tập hợp đàn em, lên phương án thanh toán nhóm của Quyền.
Tuấn chia quân, một tốp đóng vai bán bánh mì, công nhân vệ sinh đô thị “ém” phía sau khách sạn Việt Trung; tốp khác đi trực diện từ phía cảng Chùa Vẽ đến nơi tập kết theo kiểu trong đánh ra ngoài đánh vào. Sau khi lên phương án, quân Tuấn “lùn” hăm hở lên đường.
Khoảng 0 giờ ngày 6/11/2004, khi băng của Tuấn vừa đến cây xăng Đông Á đã sập ngay vào bẫy của Quyền “quí” và cuộc đâm chém xảy ra. Hai băng nhóm dùng bom xăng, bi sắt, mã tấu, dao tự tạo hỗn chiến và chỉ dừng lại khi công an đến nổ súng giải tán. Hậu quả là hai người gục chết, hàng chục người khác bị thương…
Sau khi tổ chức đàn em thanh toán nhau, những người cộm cán trong hai băng nhóm bỏ trốn, Tuấn “lùn” cũng lặn với một số đàn em…
Sat thu bi bat vi thich an trung buoi sang
Tuấn “lùn” và Quyền “quí”. (Ảnh công an cung cấp) 
Bị bắt vì thích món trứng
Công an TP Hải Phòng phát lệnh truy nã, tổ chức truy tìm nhưng sát thủ Tuấn “lùn” như bốc hơi.
Rà soát các mối quan hệ và những thông tin trinh sát báo về, các chiến sĩ PC45 Công an TP Hải Phòng nắm thông tin Tuấn đang lẩn trốn ở khu vực Trại Chuối, nơi phức tạp nhất về trật tự của TP Hải Phòng lúc bấy giờ. Đây là khu vực tập trung nhiều người không đăng ký hộ khẩu, nhà cửa san sát, nhiều đối tượng hình sự thoắt ẩn thoắt hiện trong khu vực.
Khi biết thông tin này, các trinh sát trà trộn vào khu Trại Chuối nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy kẻ trốn truy nã ẩn náu tại đây.
“Đêm hôm đó, khoảng 1 giờ sáng, ngồi lục lại trí nhớ, tôi chợt lóe lên chi tiết về thói quen ăn sáng của Tuấn và sáng hôm sau tôi yêu cầu lính của mình: “Các đồng chí đi khảo sát ở khu Trại Chuối, giúp tôi xem có bao nhiêu hàng bán trứng gà và bao nhiêu điểm bán sữa trứng buổi sáng”” - Đại tá Lê Hồng Thắng nhớ lại.
Theo ông Thắng, khi các trinh sát báo cáo, ở khu Trại Chuối có năm điểm bán trứng gà và bán trứng sữa, ông cho trinh sát ngồi canh ở năm điểm đó. “Hôm sau, đúng 7 giờ sáng, anh em thấy vợ của Tuấn đến một điểm mua trứng sữa nên đi theo chị ta. Đến nơi, anh em thấy Tuấn đang ngồi trên giường đợi vợ mang thức ăn sáng về…” - ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, khi quản lý hồ sơ các đối tượng cộm cán, ông ghi nhớ sở trường, thói quen sinh hoạt hằng ngày của đối tượng cũng như tình cảm của họ với người thân. “Vì thế tôi biết Tuấn được vợ chiều chuộng, có thói quen ăn sáng bằng trứng gà…”. Người tổ chức cuộc thanh toán đẫm máu bị bắt mà không ngờ thói quen hằng ngày “giúp” công an đến “hốt” anh ta nhẹ nhàng như vậy.
Những người bỏ trốn khác trong vụ thanh toán sau đó cũng bị các lực lượng của Công an TP Hải Phòng cho tra tay vào còng về chịu án.
Xử phúc thẩm vụ thanh toán băng nhóm này vào tháng 10/2006, tòa phạt hai án tử hình, một án chung thân; 35 bị cáo khác nhận án từ bốn đến 14 năm tù…
Theo Pháp Luật TPHCM