Dạo khắp các quầy thịt trên địa bàn TP.HCM, rất ít nơi có thể chỉ ra được xuất xứ miếng thịt heo như cách Sagrifood đang tiếp thị.
Từ thịt heo sạch của Sagrifood
Để làm được điều này, Sagrifood (công ty chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn thuộc tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng, tự đứng ra tổ chức nuôi heo, sau đó đưa vào giết mổ, chế biến, cung cấp ra thị trường.
Những miếng thịt heo mang thương hiệu Sagrifood đang bán tại một số siêu thị trong hệ thống Co.op, cửa hàng riêng của công ty hay hệ thống Co-opfood… được nuôi ở hai trang trại có tổng đàn gần 30.000 con, quy mô 50ha tại huyện Củ Chi. Đàn heo được tổ chức nuôi khép kín, có sự kiểm soát nghiêm ngặt từ con giống, thức ăn, quy trình nuôi.
Mỗi con heo đều được gắn mã số, mã vùng để ghi lại chi tiết lịch sử bản thân nên có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Hiện nay, hai trại heo của Sagrifood được cấp giấy chứng nhận Vietgap, quản lý theo tiêu chuẩn ISO, ngoài ra công ty này còn có nhà máy thức ăn, nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP.
|
Thịt sạch bán ở siêu thị. Ảnh: Cẩm Tú. |
Bà Lê Ngọc Phượng, phó tổng giám đốc tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, kiêm giám đốc Sagrifood khẳng định thông qua quy trình quản lý khép kín, Sagrifood là một trong những đơn vị đã tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay Sagrifood đang gặp phải khó khăn hạn chế năng lực tài chính, năng lực quản lý, đặc biệt là hệ thống mặt bằng kinh doanh bán lẻ, nên sản lượng chưa lớn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Mỗi ngày chúng tôi chỉ đưa vào giết mổ khoảng 40 con heo, lượng heo nuôi còn lại phải bán ra ngoài thị trường”, bà Phượng thừa nhận.
Đến dự án LIFSAP
Hơn một năm nay, 800 hộ chăn nuôi ở hai huyện Củ Chi và Hóc Môn thực hành chăn nuôi theo mô hình quản lý chuỗi. Đây là một phần trong dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do ngân hàng Thế giới tài trợ cho TP.HCM. Mục tiêu chung của dự án là nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất sạch cho các hộ nông dân, cơ sở giết mổ, các phương tiện vận chuyển chuyên dụng, hệ thống quầy sạp tại các chợ. Hiện đã có 133 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận Vietgap, dự kiến cuối năm nay có thêm 200 hộ. Bên cạnh đó, dự án cũng thực hiện nâng cấp chợ, hình thành 795 sạp ở 13 chợ đạt tiêu chuẩn để sau này chuyên bán thịt Vietgap trong dự án.
Ông Đặng Văn Được (xã Nhuận Đức, Củ Chi), một trong số hàng trăm hộ chăn nuôi tham gia dự án LIFSAP, cho biết đàn heo hơn 400 con của gia đình ông được ghi chép một cách đầy đủ các thông số như ngày nhập giống, ngày nhập thuốc, ngày tiêm vắcxin, cho ăn loại thức ăn gì và đặc biệt là mỗi con heo đều được bấm lỗ tai gắn mã số vùng, mã số bản thân. “Con heo vận chuyển đi đến đâu, nếu phát hiện không an toàn thì cứ nhìn vào mã số sẽ biết nguồn gốc, lịch sử trong suốt quá trình chăn nuôi”, ông Được nói.
Tuy nhiên, người chăn nuôi trong dự án LIFSAP cho biết họ vẫn phải bán heo cho thương lái do chưa có doanh nghiệp nào đứng ra tổ chức thu mua. Theo ông Được, cũng có một vài công ty xuống đặt vấn đề hợp đồng tiêu thụ, nhưng cách thức cam kết quá ngặt nghèo, không “rộng rãi” bằng thương lái nên người chăn nuôi chưa chịu. Hiện Sagrifood đang thực hiện kế hoạch liên kết mở đại lý với nhiều thành phần nhằm mở rộng kênh phân phối, nên theo bà Lê Ngọc Phượng, thời gian tới công ty này sẽ ký hợp đồng tiêu thụ heo trong dự án LIFSAP. “Khâu khó khăn nhất là chăn nuôi thì bà con đã làm được, vậy tại sao chúng ta lại không mang sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng”, bà Phượng đặt vấn đề. Tuy nhiên, để làm được điều này, doanh nghiệp phải được chính quyền địa phương cam kết đưa ra hành lang pháp lý để hạn chế tối đa việc kinh doanh thực phẩm, nhất là thịt tươi sống có nguồn gốc chăn nuôi và giết mổ không đảm bảo an toàn tại các chợ. Hơn nữa, một khi miếng thịt được nhận diện là sạch thì cũng đòi hỏi chi phí cao hơn, nên cần thiết phải được cấp logo, nhãn mác và được phép bán giá cao hơn thị trường.
TP.HCM đang thực hiện đề án “Xây dựng mô hình điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn giai đoạn 2011 – 2015”. Các mặt hàng nông sản thuỷ sản, thịt gia súc, gia cầm và rau củ quả sẽ được liên kết, phối hợp với các tỉnh lân cận tham gia vào chuỗi an toàn thực phẩm nhằm kiểm soát chặt đầu vào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong thời gian tới, TP.HCM dự trù chi gần 60 tỉ đồng triển khai thực hiện đề án này. Dự kiến tổng sản lượng nông sản, thực phẩm thuộc chuỗi thực phẩm an toàn sẽ đạt trên 50% vào cuối năm 2015. Ngoài thịt heo, một số mặt hàng thuỷ hải sản như cá nục ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cá rô đồng nuôi ở Hậu Giang đưa về ở chợ Bình Điền tiêu thụ đã được quản lý theo chuỗi. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản TP.HCM cho hay từ nay đến cuối năm 2014, đơn vị này đưa thêm con cá tra, con tôm, con cá điêu hồng ở Bến Tre, Vĩnh Long và An Giang tham gia vào chuỗi quản lý.
Kiều Phong (theo Thế Giới Tiếp Thị)